Tin thế giới 19h: Truyền thông Ukraine tìm người thay thế Yatsenyuk
Nga
*Trong một bài phỏng vấn Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông nói rằng vị thế trên trường quốc tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như Moscow đang suy yếu. Mặc dù khẳng định rằng Tổng thống Putin “lịch thiệp và cởi mở”, luôn bàn bạc để giải quyết những vấn đề quan trọng, ông Obama cho rằng vị thế của Nga “đã suy giảm đáng kể”. Trước đó vào đầu năm 2014, ông Obama khẳng định Nga là một thế lực khu vực chứ không phải là cường quốc thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Barack Obama có mối quan hệ rất phức tạp. |
*Mới đây, Washington công bố kế hoạch nâng cấp số bom hạt nhân mà nước này bố trí tại các căn cứ không quân ở Châu Âu. Động thái này đã khiến Nga bày tỏ sự bất bình, bởi đây được coi là sự vi phạm Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT). Được biết, đây là những loại bom đã được sản xuất từ những năm 1960 và từ đó đến nay vẫn được bảo trì liên tục. Một quan chức Nga cho biết Moscow sẽ có những hành động đáp trả thích đáng.
Hiệp ước NPT chính thức có hiệu lực vào năm 1970, theo đó chỉ 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân. Mục tiêu cuối cùng của NPT là nhằm giảm bớt khả năng xảy ra xung đột hạt nhân bằng cách ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và khuyến khích ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Ukraine
*Trong bối cảnh thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk đang phải chịu sức ép từ nhiều phía, một số cái tên đã được nhắc đến và được coi là có thể thay thế vị trí của ông Yatsenyuk trong tương lai. Đó là bà Natalie Jaresko, Bộ trưởng Bộ Tài chính, và ông Volodymyr Groysman, Chủ tịch Quốc hội Ukraine. Mặc dù vậy, cả hai quan chức cấp cao này đều không lên tiếng bình luận về việc này, mặc dù họ có những bất đồng với ông Yatsenyuk.
Bà Natalie Jaresko và ông Vorodymyr Groysman trao đổi với nhau trong một cuộc họp Quốc hội Ukraine. |
Khủng hoảng chính trị ở Ukraine trở nên nghiêm trọng khi có rất nhiều quan chức quan trọng lần lượt đệ đơn từ chức do tình hình tham nhũng đã cản trợ đến hoạt động của họ. Trong khi đó, Ukraine vẫn chưa nhận được gói cứu trợ kinh tế từ các nước phương Tây do chưa thực hiện những bước đi cải cách mà họ đã hứa.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Theo một tờ báo của Hàn Quốc, Trung Quốc đang rất nghiêm túc trong việc trừng phạt kinh tế Triều Tiên sau hàng loạt các cuộc thử nghiệm vũ khí và phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Trung Quốc đã thực hiện những biện pháp như liệt một số quan chức Triều Tiên vào diện cấm nhập cảnh, tăng cường kiểm tra hàng hóa qua đường thủy, đường bộ và đường không từ Triều Tiên. Động thái này diễn ra trước những thông tin cho rằng Bắc Kinh đang giúp Bình Nhưỡng tránh án phạt của Liên Hợp Quốc.
Quan chức Ngoại giao Trung Quốc Fu Cong. |
*Trung Quốc mới đây đã cáo buộc binh sĩ Mỹ hiếp dâm và giết hại dân thường ở nước ngoài. Quan chức ngoại giao Trung Quốc Fu Cong cho biết khẳng định Mỹ “nghe trộm điện thoại quy mô lớn ngoài lãnh thổ, sử dụng máy bay không người lái để tấn công thường dân vô tội của các nước khác; quân đội Mỹ ở nước ngoài còn phạm tội hiếp dâm và giết người dân địa phương”.
*Trước tình hinh bán đảo Triều Tiên lại căng thẳng, Mỹ đã điều động 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 hiện đại. Theo chỉ huy Không quân Mỹ, động thái này “sẽ giúp Hoa Kỳ có thể phát huy sức mạnh của mình ở bất cứ địa điểm và thời điểm nào, đồng thời nâng cao khả năng phối hợp quân sự với các nước đồng minh trong khu vực”. Không quân Mỹ không nói rõ các máy bay này sẽ hoạt động ở địa điểm nào ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trong thời gian bao lâu.
Trung Đông
*Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RT, một phát ngôn viên của lực lượng vũ trang người Kurd YPG cho biết họ đã bị tấn công bởi các loại vũ khí hóa học do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp. Cụ thể, các nhóm nổi dậy đã “lợi dụng lệnh ngừng bắn” để dùng đạn pháo hóa học chứa khí độc sarin. YPG lo ngại rằng đây sẽ không phải là lần cuối cùng vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc mang vũ khí hóa học nguy hiểm đến Syria. |
*Mới đây, các cơ quan an ninh Anh đã có trong tay những tài liệu ghi lại danh tính của khoảng 22.000 phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS). Phần lớn những tài liệu này là những tờ đơn xin gia nhập tổ chức khủng bố, với những câu hỏi về kinh nghiệm chiến đấu, hiểu biết về luật Hồi giáo. Một vài trong số này được đóng dấu “tử vì đạo”, ám chỉ những tên sẵn sàng thực hiện đánh bom cảm tử. Đây được coi là những bước đi quan trọng nhằm xác định và ngăn chặn những phần tử IS đang có âm mưu thực hiện khủng bố ở châu Âu.