Tin thế giới 18h30: Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, Tổng thống Obama bật khóc
Triều Tiên
*Các cơ quan Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu mới đây đã phát hiện những dư chấn gần khu vực thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Một trận động đất mạnh 5,1 độ Richter đã xảy ra vào sáng ngày 6/1, cách khu Punggye-ri (Triều Tiên), một địa điểm thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, khoảng 49km. Nhiều cơ quan giám sát nước ngoài tin rằng là một hiện tượng nhân tạo.
Một quan chức của cơ quan khí tượng thủy văn Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi nghi ngờ rằng trận động đất này là do con người gây ra và đang phân tích quy mô và tâm chấn của nó với sự giúp đỡ của các viện nghiên cứu địa chất ở Hàn Quốc”. Trận động đất diễn ra vào lúc 10 giờ sáng theo giờ Seoul (tức khoảng 8 giờ sáng giờ Việt Nam).
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un giám sát một cuộc tập trận quân sự. |
*Đến buổi trưa cùng ngày, Triều Tiên thừa nhận nước này vừa mới tiến hành thành công vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch và hành động này hoàn toàn "hợp pháp" để bảo vệ chủ quyền trước mối đe dọa từ Mỹ.
Theo Guardian, truyền thông Triều Tiên đưa tin nếu Mỹ không đe dọa an ninh lãnh thổ của Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ không cần dùng tới vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đây chỉ là "lời bào chữa" mà Bình Nhưỡng từng nhiều lần sử dụng.
Theo Chủ tịch Kim Jong-un, Bình Nhưỡng có năng lực thử nghiệm bom nhiệt hạch và năng lực này có được từ dưới thời hai cố lãnh đạo là chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. "Thành tựu của cố chủ tịch Kim Nhật Thành là biến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thành một nước sở hữu vũ khí hạt nhân và thử nghiệm các loại bom để bảo vệ chủ quyền và giá trị quốc gia", ông Kim Jong-un phát biểu.
Ảnh chụp vệ tinh bãi thử nghiệm vũ khí hạt nhân Punggye-ri ở phía Bắc Triều Tiên. |
Theo giới chuyên gia, hiện chưa thể xác định độ chính xác trong tuyên bố của Triều Tiên. Nếu tuyên bố của Triều Tiên là đúng sự thật, cuộc thử nghiệm này sẽ đánh dấu bước tiến lớn của Triều Tiên trên hành trình theo đuổi phát triển và sản xuất vũ khí hạt nhân.
*Sau khi thông tin Triều Tiên chính thức công bố thử bom nhiệt hạch, chỉ số chứng khoán Hàn Quốc đã bắt đầu xu hướng giảm xuống. Cụ thể, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,6%, trong khi đó giá đồng Won cũng giảm 0,6% so với đồng USD. Chỉ số chứng khoán MSCI Asia Pacific Index của khu vực cũng đã giảm 0,7% kể từ thời điểm mở cửa.
Mỹ
*Trước gia đình của nạn nhân các vụ thảm sát do súng, ông Obama đã bật khóc và phát biểu rằng ông đã ban hành lệnh thắt chặt kiểm soát sở hữu súng nhằm giảm bớt tình trạng bạo lực ở Mỹ vào ngày 5/1.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu kêu gọi giới hạn cung cấp súng vào ngày 5/1. |
Cụ thể, Tổng thống Obama đã ra hơn 20 sắc lệnh mở rộng hệ thống kiểm tra lý lịch. Mục đích của kế hoạch này để thu hẹp số lượng nhà cung cấp súng được cấp phép buôn bán, đồng thời kiểm tra tung tích của người mua. “Đây không phải là nhằm tước đi quyền sử dụng súng của toàn bộ người dân. Đơn giản là nếu một người vượt qua được bài kiểm tra lý lịch, người đó được phép mua súng”, ông Obama cho biết.
Cuối bài diễn văn, ông Obama đã bật khóc và ngừng lại nhiều lần để gạt nước mắt. Ông nói rằng quyền mưu cầu hạnh phúc và hòa bình của công dân Mỹ đã bị các vụ xả súng đẫm máu tước mất. Ông Obama bày tỏ sự giận dữ khi nói rằng người Mỹ đã trở nên “thờ ơ” trước các vụ việc đẫm máu xảy ra trong những năm gần đây. “Những vụ tàn sát này không phải là cái giá của sự tự do mà chúng ta đang được hưởng, ông Obama phát biểu.
Trung Quốc
*Theo một cổng thông tin của Nga, được sự chấp thuận của chính phủ Syria, Bộ Quốc phòng Trung Quốc điều động 5.000 lính đặc biệt tinh nhuệ tới nước này để chống IS. Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua Đạo luật chống khủng bố cho phép Bộ quốc phòng nước này đưa quân ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố.
Quyết định này của Bắc Kinh là nhằm thực hiện lời cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Trung Quốc sẽ tăng cường vai trò của mình trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và nước Nga có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Căng thẳng Ả Rập Xê út - Iran
*Em trai của giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite có uy tín vừa bị Ả Rập Xê út xử tử, khiến khu vực Trung Đông phẫn nộ mới đây lên án Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không can thiệp để ngăn chặn cái chết của anh mình.
“Tôi rất tiếc khi phải nói rằng, chính phủ Mỹ hoàn toàn không làm gì trước sự việc này, mặc dù họ hiểu rõ nguy cơ cũng như hậu quả của nó”, ông Mohammed al-Nimr trả lời phỏng vấn sau cái chết của người anh, giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr trả lời phỏng vấn với Yahoo News. “Chúng tôi đã gửi lời kêu gọi đến Tổng thống Mỹ hãy can thiệp, nhưng người Mỹ hoàn toàn làm ngơ”.
Đại sứ quán Ả Rập Xê út đã phá hoại sau khi ông Nimr al Nimr bị xử tử. |
Quyết tâm của chính quyền Obama trong vụ việc xử tử ông al-Nimr của chính phủ Ả Rập Xê út đã bị nghi ngờ, song cũng có người cho rằng họ đã bị bất ngờ trước động thái mạnh tay này.
*Theo chuyên gia phân tích người Iran Jafar Nematzadeh, Nga là chìa khóa rất quan trọng trong việc giải quyết xung đột giữa Ả Rập Xê út và Iran bởi Moscow là một đối tác mà cả hai nước đều sẵn sàng lắng nghe.
“Nga sẽ có vai trò rất quan trọng trong tình hình này. Iran hoàn nghênh sự có mặt của Nga còn Ả Rập Xê út không phản đối Moscow, do đó họ có thể là một nước trung gian hòa giải đáng tin cậy”, ông Nematzadeh cho biết.
Theo một quan chức cấp cao thuộc Bộ ngoại giao Nga, Moscow bày tỏ sự tiếc nuối trước tình trạng căng thẳng leo thang giữa Ả Rập Xê út và Iran, đông thời cho biết họ sẵn sàng tham gia hòa giải xung đột giữa hai nước.
Ukraine
*Cựu Thủ tướng Ukraine Nhikolai Azarov mới đây lên tiếng khẳng định rằng tất cả những chính sách do Tổng thống Poroshenko áp dụng ở Ukraine đều dẫn đến những tổn hại cho nền kinh tế nhưng lại mang lại lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh của Poroshenko.
“Thực tế ông Poroshenko đã biến toàn bộ Ukraine thành công cụ phục vụ cho công việc kinh doanh của mình. Để thực hiện mục đích này, ông ta ban hành lệnh cấm nhập từ Nga các sản phẩm socola và bánh kẹo. Trong thời gian qua, ông ta đã nỗ lực không mệt mỏi để vận động nhằm đưa các sản phẩm của mình, trong đó có caramel, vào Nga, bất chấp việc các sản phẩm này nằm trong danh mục cấm đưa vào Nga”, Azarov viết trên trang Facebook cá nhân của mình.
Nga
*Một báo của Ukraine đưa tin, một số nước EU đã đẩy mạnh các hoạt động thương mại với Nga mặc dù lệnh cấm vận với Nga được áp đặt từ năm 2014 vẫn còn hiệu lực.
Một số nước EU vẫn tiếp tục đẩy mạnh thương mại với Nga mặc cho lệnh cấm vẫn còn hiệu lực. |
Theo dữ liệu của Cục Hải quan Liên bang Nga, 7 nước EU có doanh thu thương mại với Nga tăng lên so với năm ngoái. Đó là Bỉ, Đan Mạch, Latvia, Romania, Slovenia, Croatia và Estonia. Ba nước trong số này đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Nga là Romania, Croatia và Estonia.
Phần lớn các nước EU đều giảm xuất nhập khẩu với Nga trong năm 2015. Ngay cả những nước không có mâu thuẫn với điện Kremlin và không áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế cũng có kim ngạch xuất nhập khẩu với Nga giảm xuống.