Tin thế giới 18h30: Nga có thể gặp “hiểm họa khôn lường” tại Syria
Syria
*Ngày 1/12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã bác bỏ khả năng hợp tác giữa Đức và Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong lúc quân đội Đức chuẩn bị tiến hành chiến dịch quân sự chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria. Đồng thời, Đức chuẩn bị phê duyệt việc triển khai máy bay do thám Tornado, máy bay tiếp nhiên liệu, một tàu khu trục cùng 1.200 quân đến Syria.
Tuy nhiên, bà cũng cho biết Đức không loại trừ khả năng chấp nhận một số những người hiện đang đứng về phe Tổng thống Assad để đi tìm một giải pháp lâu dài cho Syria để tránh lặp lại những sai lầm trong chiến tranh Iraq.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện đại của Nga. |
*Việc Nga triển khai hệ thống tên lửa hiện đại S-400 Triumph tới căn cứ không quân tại Latakia (Syria) đã khiến quân đội Mỹphải “lo sợ” và chưa có hành động đáp trả trước động thái này của Nga. Kênh truyền hình CNN cho rằng, không quân Mỹ phải thay đổi các tuyến đường và phối hợp hoạt động với phía Nga để tránh xảy ra tình trạng chiến đấu cơ của Mỹ “vô tình” bị tên lửa S-400 của Nga bắn hạ.
Theo cựu Đại tá không quân Mỹ Cedric Leighton, “S-400 là một trong những hệ thống phòng không hiệu quả nhất thế giới. Hệ thống này không chỉ giúp tăng cường bảo vệ cho lực lượng không quân Nga tại Syria mà còn phục vụ cho lợi ích của Nga, giữ vững không phận Syria hoặc tối thiểu là không phận những vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad”.
*Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc can thiệp quân sự vào Syria và ám chỉ rằng Nga sẽ phải đối mặt với những hiểm họa khôn lường. “Tôi nghĩ ông Putin hiểu rằng, để bị vướng vào một cuộc nội chiến khốc liệt và không có hồi kết là điều mà ông không muốn”, ông Obama phát biểu trong một cuộc họp báo ở Paris.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo rằng Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng khi tham chiến vào Syria. |
Mặc dù Tổng thống hai nước nhất trí rằng cần phải có phương hướng giải quyết cụ thể để chấm dứt cuộc xung đột ở Syria, nhưng hai bên vẫn còn những bất đồng về vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người mà Mỹ yêu cầu phải từ chức khi Syria bước vào thời kỳ chuyển giao chính trị. Dù vậy, ông Obama cho rằng ”trong vòng vài tháng tới đây, rất có thể chúng ta sẽ thây sự thay đổi quan điểm của Nga cũng như việc Moscow nhận thấy rằng cần phải kết thúc cuộc nội chiến ở Syria sớm nhất có thể”.
Căng thẳng Nga – Thổ Nhĩ Kỳ
*Theo một nguồn tin từ quân đội Nga, các tàu của Hải quân Nga không gặp bất kỳ vấn đề nào khi đi qua hai eo biển Bosphorus và Dardanelles, nơi trước đó có thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn tàu của lực lượng này.
“Cho đến nay các tàu biển của Nga đi qua eo biển ở Thổ Nhĩ Kỳ không gặp vấn đề nào. Việc các tàu di chuyển chậm trên tuyến đường biển này rất có thể là do có quá nhiều tàu hoặc do thiên tai, khiến giao thông bị đình trệ”, nguồn tin này cho biết. “Còn về việc tàu Nga bắt gặp tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ, sự việc không có gì nghiêm trọng khi có rất nhiều tàu lưu thông qua lại trên hai eo biển và trong số này cũng có những tàu chiến thuộc Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ukraine
*Quân ly khai Donetsk và Lugansk đã sẵn sàng trao đổi tù binh với Kiev. Danh sách tù binh sẽ được công bố tại cuộc họp của Nhóm liên lạc giải quyết tình hình Ukraine diễn ra ở Minsk ngày 8/12 sắp tới. Tuyên bố trên được Ủy viên phụ tránh về nhân quyền Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DNR) Daria Morozova đưa ra trong cuộc phỏng vấn với hãng Ria Novosti.
Trước đó, cố vấn của Giám đốc Cơ quan an ninh Ukraine (SBU), ông Yuri Tandit cũng thông báo rằng, Kiev đã sẵn sàng cho một cuộc trao đổi tù binh tại Donbass theo nguyên tắc “tất cả đổi tất cả” bất cứ lúc nào.
Mỹ bị Ukraine lên án khi chuyển giao hàng loạt các loại khí tài lỗi thời, từ áo chống đạn cho đến xe Humvee. |
*Mỹ đã chuyển số thiết bị quân sự phi sát thương trị giá hơn 260 triệu USD cho quân đội Kiev chiến đấu chống lại phe nổi dậy ở miền đông. Song, không ít số vũ khí mà Mỹ viện trợ cho quân đội Ukraine chẳng khác gì "đống phế liệu". Cụ thể, phần cửa xe và cửa kính của 3 chiếc Humvee được làm bằng chất liệu nhựa và dường như không có khả năng bảo vệ binh sĩ. Trong khi đó, lốp xe của một trong 3 chiếc xe này cũng đã bị thủng khi mới chỉ di chuyển vài trăm kilomet.
Ngoài xe bọc thép Humvee, Lầu Năm Góc còn cung cấp áo chống đạn cho một đơn vị lục quân Ukraine với khoảng 120 quân nhân. Song đây là kiểu áo mà quân đội Mỹ đã dừng sử dụng trong chiến đấu giữa những năm 2000. "Nếu như Mỹ có ý định chuyển thiết bị quân sự cho chúng tôi, thì cũng đừng chuyển số thiết bị đã qua sử dụng", một sĩ quan Ukraine giấu tên chia sẻ. Các binh sĩ chính phủ Ukraine cho biết, số vũ khí tồi tàn kém chất lượng mà chính phủ Mỹ cung cấp cho quân nhân tiền tuyến đã làm ảnh hưởng tới lòng tin và sự trung thành trong hàng ngũ quân đội.
Châu Âu
*Đức hiện có mong muốn xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” để đề phòng trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga qua Ukraine bị gián đoạn, tuy nhiên kế hoạch này đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia Đông Âu.
Sẽ có một "Dòng chảy phương Bắc thứ hai" giữa Nga và Đức? |
Theo lập luận của các nước Đông Âu, EU cần thực hiện mọi biện pháp để phong tỏa dự án của Đức vì dự án này đi ngược lại với chính sách của châu Âu. Họ nói rằng mặc dù là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong EU nhưng Đức lại phớt lờ lợi ích các nước thành viên ở Đông Âu, đặt lợi ích cá nhân mình lên cao hơn việc đảm bảo an ninh năng lượng cho các nước Đông Âu.
Mỹ
*Theo một báo cáo do Cơ quan Hậu cần Không quân Mỹ công bố, một máy bay AC-130J hiện đại đã bị hỏng đến mức không còn sử dụng được sau khi gặp sự cố bất ngờ, khiến khung máy bay suy yếu quá mức.
Vào ngày 21/4, khi đang thực hiện một kỹ thuật giảm độ cao, máy bay AC-130J “đã đâm xuống với một góc không an toàn và bị mất kiếm soát, sau đó bị lộn nhào và mất độ cao nhanh chóng”, văn phòng hậu cần không quân tại căn cứ Wright-Patterson tại bang Ohio (Mỹ) cho biết. May mắn là máy bay đã ổn định và hạ cánh an toàn sau đó, Tuy nhiên, do máy bay đã bay lộn nhào, khung máy bay đã chịu quá nhiều sức ép, khiến nó không còn an toàn để cất cánh trở lại nữa. Ước tính phí tổn của vụ việc là hơn 115 triệu USD.