Tin thế giới 10/2: Đô đốc Mỹ kêu gọi tấn công phủ đầu Nga, Venezuela vẫn "căng"
Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin |
Nga, Mỹ, Ukraine
*Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov cho biết, Nga có quyền không công nhận cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Ukraine sau khi Kiev ra lệnh cấm công dân Nga trở thành quan sát viên của cuộc bầu cử này.
Trước đó, quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật về cấm các đại diện của Nga làm nhiệm vụ giám sát bầu cử tổng thống tại Ukraine. Cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine dự kiến diễn ra vào ngày 31/3 tới, số ứng cử viên đăng ký tranh cử đã lên con số kỷ lục - 44 người.
Trong số các ứng cử viên có đương kim Tổng thống Petro Poroshenko, chính trị gia thuộc phe đối lập - cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko và nam diễn viên Volodymyr Zelensky.... Đây được xem là 3 ứng cử viên nặng ký, có triển vọng đắc cử trong cuộc bầu cử này.
*Tờ Business Insider đưa tin, phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương, Tư lệnh chiến dịch của Hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc John Richardson, kêu gọi Washington tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu chống lại Nga và Trung Quốc. Đồng thời, ông Richardson cáo buộc Nga phong tỏa Biển Azov, cũng như tăng cường sự hiện diện hải quân ở Đông Địa Trung Hải.
Theo ông Richardson, Hoa Kỳ không nên chỉ nghĩ về việc đánh trả mà còn cần gây áp lực ở một vài khu vực. Ông nói: "Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt nếu có thể buộc người Nga, đối thủ của mình buộc phải phản ứng với những bước đầu tiên của chúng ta. Đôi khi, chơi quân trắng (trên bàn cờ) là một lợi thế".
*AP đưa tin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 9/2 tuyên bố nước này cần gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để tự bảo vệ mình trước các hành động theo chủ nghĩa bành trướng của Nga.
Ông Petro Poroshenko, người đang chạy đua cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 31/3 sắp tới, đã cáo buộc Nga âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử này.Ông Poroshenko mô tả cuộc bầu cử là một "cuộc đấu tranh chung vì Ukraine".
Khủng hoảng chính trị Venezuela chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" |
Khủng hoảng chính trị Venezuela
*Một đại tá quân đội Venezuela hiện là bác sĩ quân y đã từ bỏ lòng trung thành đối với Tổng thống Nicolas Maduro, thay vào đó ông quay sang ủng hộ lãnh đạo phe đối lập, Tổng thống tự phong Juan Guaido.
Trong một đoạn băng được công bố ngày 9/2, Đại tá Ruben Paz Jimenez cho hay: "90% sĩ quan trong lực lượng vũ trang thực sự không vui vẻ. Chúng tôi bị lợi dụng để duy trì quyền lực cho họ". Ông Jimenez kêu gọi các binh lính khác giúp đỡ để cho phép hoạt động viện trợ nhân đạo đi vào Venezuela.
*Báo Độc lập (Nga) số ra mới đây có bài bình luận về tình hình căng thẳng đang leo thang tại Venezuela cùng những lựa chọn của Nga và Mỹ trong bối cảnh rối ren tại quốc gia Mỹ Latinh này. Liệu Nga và Mỹ có trực tiếp can dự vào Venezuela?... Chi tiết đọc tại đây.
*Moscow và Washington hiện đang bất đồng về chiến dịch do Mỹ hậu thuẫn kêu gọi quốc tế công nhận thủ lĩnh đối lập tại Venezuela – ông Juan Guaido là Tổng thống lâm thời của Venezuela, thay cho Tổng thống Nicolas Maduro.
Hiện có khoảng 20 nước thành viên EU, trong đó có Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã cùng với Mỹ công nhận ông Juan Guaido là Tổng thống lâm thời, đồng thời gây sức ép yêu cầu Tổng thống hiện nay Nicolas Maduro kêu gọi bầu cử mới. Trong khi đó, nhiều nước khác như Cuba, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, đồng thời lên án âm mưu đảo chính.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Tổng thống Mỹ Trump |
Châu Á-Thái Bình Dương
*Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” mới đây đăng bài viết với tựa đề “Chủ nghĩa bảo hộ thương mại đơn phương bảo thủ của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế Đông Nam Á” của tác giả Cát Hồng Lượng, Chủ nhiệm Học viện Đông Nam Á thuộc Đại học Dân tộc Quảng Tây và cũng là nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Charhar. Nội dung bài viết tập trung vào phân tích khả năng khu vực Đông Nam Á có trở thành một trong những bên hưởng lợi từ các cuộc xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ…. Chi tiết đọc tại đây.
*Nhân tố trừng phạt hiện đang là vật cản chính đối với tiến trình đối thoại Nga – Nhật về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, triển vọng ký kết hiệp ước hòa bình cũng như hợp tác thương mại và kinh tế giữa Moscow và Tokyo. Vậy nhân tố này có ảnh hưởng lớn như thế nào đối với tiến trình đối thoại Nga - Nhật?... Chi tiết đọc tại đây.
*Yonhap đưa tin ngày 10/2, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung đã có cuộc gặp Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Alex Wong và thảo luận về kết quả các cuộc đàm phán trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Mỹ và Triều Tiên.
Theo bộ trên, cuộc gặp của hai quan chức Hàn-Mỹ trên diễn ra trong ngày 9/2, và hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm tạo ra tiến triển đáng kể trong các nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều cũng như cụ thể hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa. Ông Wong đã quay trở lại Seoul vào tối 8/2 sau khi tháp tùng đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun trong chuyến thăm 3 ngày tới Bình Nhưỡng nhằm tiến hành đối thoại về cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới dự kiến diễn ra tại thủ đô Hà Nội trong hai ngày 27-28/2.
*Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 10/2 cho biết Mỹ và Triều Tiên có kế hoạch tổ chức vòng đàm phán mới tại một nước thứ ba ở châu Á vào tuần sau để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa lãnh đạo hai nước.
Theo người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Eui-kyeom, vòng đàm phán mới giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ được tiến hành "trong tuần bắt đầu từ ngày 17/2 tại một nước thứ ba ở châu Á", song không nêu thêm chi tiết.