Tin nổi bật 6/6: TT Zelensky phát ngôn "sốc" về Nga, Kiev có nguy cơ mất Donbass?
Tổng thống Zelensky tuyên bố đặt “dấu chấm hết” cho tham vọng đế chế của Nga |
Quan hệ Nga – Ukraine:
*Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố việc nước này liên kết, hội nhập Liên minh châu Âu (EU) là để "đặt dấu chấm hết" cho tham vọng đế chế của Nga.
Ông Zelensky nhấn mạnh: “Ukraine gia nhập EU là dấu chấm hết cho tham vọng đế chế của Nga. Hơn nữa, đó là đòn giáng mạnh vào Nga, và là con đường dẫn đến những thay đổi dân chủ ở Nga và trên toàn bộ không gian hậu Liên Xô".
*Trong khi đó, phát biểu trên kênh truyền hình NewsOne, đại biểu Quốc hội UkraineNadezhda Savchenko cảnh báo: “Chính sách gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được quy định trong Hiến pháp Ukraine, tuy nhiên nếu điều này được thực thi không qua trưng cầu dân ý, Kiev có thể sẽ mất khu vực Donbass – miền Đông Ukraine”.
*Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn RBK, vào tháng 4/2014, ông John Kerry khi đó là Ngoại trưởng Mỹ đã đề nghị với ông tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai về “số phận” của Bán đảo Crimea.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, phương Tây sẵn sàng trừng phạt Moscow vì chính sách đối ngoại độc lập của nước này và việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea là lý do thứ nhất đằng sau các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Thủ tướng Nga Medvedev |
*Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 5/6 cho biết, nước này hy vọng ban lãnh đạo mới của Ukraine sẽ có hành động thực chất và việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ được duy trì.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Slovakia Peter Pellegrini ở thủ đô Moscow, ông Medvedev nêu rõ: "Liên quan tới việc cung cấp khí đốt thông qua Ukraine, tôi đã từng đề cập vấn đề này và một lần nữa công khai bày tỏ quan điểm của mình. Chúng tôi không phản đối việc kéo dài các thỏa thuận liên quan với Ukraine và sử dụng tuyến đường trung chuyển này. Tuy nhiên sự hợp tác này cần thực chất. Hợp tác cần dựa trên quan hệ thương mại thông thường có lợi lẫn nhau, và cần áp dụng mức thuế thỏa đáng".
Hợp đồng hiện nay về cung cấp và trung chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm 2019.
Hệ thống tên lửa phòng không S400 của Nga |
Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ-Nga:
*Chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ đương đại, ông Yury Mavashev trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình RT đã dự báo rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “mất mặt” và dẫn đến thất bại chiến lược nếu từ bỏ thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga để làm hài lòng người Mỹ.
Về phần mình, chuyên gia của Viện nghiên cứu chính trị và nhân đạo quốc tế Vladimir Bruter nói thêm rằng việc từ bỏ thương vụ mua S-400 cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu áp lực rất lớn từ phía Mỹ.
* Ngày 6/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, nước này vô cùng lo ngại về các thương vụ bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan, sau khi có nguồn tin cho hay Washington đang lên kế hoạch bán vũ khí trị giá 2 tỷ USD cho hòn đảo tự trị này.
Phát biểu họp báo thường kỳ ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh, nước này kêu gọi Mỹ chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan để tránh gây hại cho quan hệ song phương.
Máy bay chiến đấu Su-57 của Nga |
*Việc tiêm kích Mỹ hết “làm nhái” Su-57 của Nga lại đến J-20 Trung Quốc cho thấy, Washington buộc phải tăng cường huấn luyện trong bối cảnh mối ngại về sức mạnh quân sự của Moscow và Bắc Kinh ngày càng lớn… Chi tiết đọc tại đây.
*Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ tấn công Trung Quốc bằng cách áp thuế bổ sung trị giá "ít nhất" 300 tỷ USD, song ông cho rằng cả Trung Quốc và Mexico đều muốn đạt được các thỏa thuận trong tranh chấp thương mại với Mỹ.
Phát biểu trước khi rời Ireland để tới Pháp dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày D-Day, ông Trump nhấn mạnh: "Nhưng tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn đạt được một thỏa thuận và tôi nghĩ Mexico rất muốn thực hiện một thỏa thuận".
Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Quan hệ Nga – Trung Quốc:
*Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 5/6 đã rời Bắc Kinh để thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới St. Petersburg lần thứ 23, theo lời mời của Tổng thống chủ nhà Vladimir Putin.
*Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moscow ngày 5/6, lãnh đạo hai nước đã ra tuyên bố chung Nga – Trung Quốc và ký kết tổng cộng 23 thỏa thuận về các lĩnh vực kinh tế, đầu tư và giáo dục.
*Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, bị Mỹ coi là mối đe dọa an ninh, ngày 5/6 đã ký một thỏa thuận với công ty viễn thông MTS của Nga để phát triển mạng 5G tại Nga trong năm tới.
Thỏa thuận trên được ký kết bên lề cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow. Tuyên bố của MTS cho biết, thỏa thuận sẽ cho thấy "sự phát triển công nghệ 5G và sự khởi đầu thí điểm của mạng lưới thế hệ thứ 5 trong năm 2019-2020".
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Những tin nổi bật khác:
*Quốc hội Thái Lan ngày 5/6 đã bầu đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, ứng cử viên của liên minh do đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharath) lãnh đạo, làm thủ tướng thứ 30 của Vương quốc này.
*Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 6/6 đã bác bỏ thông tin cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định thăm Seoul trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G-20) dự kiến diễn ra tại Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng này.
Trước đó, tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin từ Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm Seoul của Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra vào hai ngày 28-29/6.
*Ngày 6/6, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ "chiến đấu" tới cùng,nếu Mỹ quyết định leo thang căng thẳng thương mại.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa đe dọa áp thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD.