Tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác do Ngân hàng Chính sách xã hội và Văn phòng Chính phủ phối hợp tổ chức ngày 29/12 tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định: Trong suốt quá trình 20 năm thực hiện Nghị định số 78, tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia.
“Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước; là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đã được tổ chức thực hiện thành công, trên toàn quốc, được nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Cũng theo Phó Thủ tướng, quá trình triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thời gian qua có một số điểm nổi bật như: Mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội được xây dựng có tính chất đặc thù, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, phục vụ tốt cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Huy động được các nguồn lực tài chính một cách chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được huy động, qua đó bảo đảm nguồn vốn cơ bản ổn định để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương.
Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng nhu cầu cho vay của trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, hải đảo, góp phần quan trọng tạo sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước.
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội không ngừng được củng cố, nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ khi nhận bàn giao xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ thời điểm 30/11/2022. Với kết quả này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành là một trong những ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất, tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong toàn hệ thống ngân hàng.
Về định hướng thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: “Chúng ta cần xác định việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030…, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong năm 2023 đã được Phó Thủ tướng chỉ rõ, gồm: Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật; cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội như huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực tín dụng chính sách xã hội.
Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, đặc biệt, riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội,phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện lợi, dễ sử dụng, chi phí phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế, các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành ngân hàng và phù hợp với hoạt động đặc thù của tín dụng chính sách xã hội như có nhiều chương trình vay với các chính sách ưu đãi khác nhau, số lượng khách hàng lớn, quy mô khoản vay thấp, phải thực hiện giao dịch tại xã, phường chứ không phải tại trụ sở của ngân hàng...
Việt Hà