Tiết lộ mới về bản sao đầu tiên của "Nụ cười Mona Lisa"
Tiết lộ mới về bản sao đầu tiên của "Nụ cười Mona Lisa"
![]() |
Bản sao (bên trái) có các chi tiết rõ nét hơn bản gốc (bên phải). Nguồn: BBC |
Bảo tàng Prado cho hay, bảo tàng đã không nhận ra ý nghĩa của bức tranh này cho đến khi phục hồi lớp màng ẩn giấu, gần đây.
Tác phẩm nghệ thuật này có cùng hình ảnh về người phụ nữ, nhưng đã bị lớp sơn dầu mầu đen che phủ.
Bức tranh được cho là do học trò của Leonardo vẽ vào thế kỉ 16. Hiện có hàng chục bản sao bức Mona Lisa từ thế kỉ 16 và thế kỉ 17.
![]() |
Bản sao ở bảo tàng Prado bị lớp sơn dầu đen che phủ (Nguồn BBC) |
Báo Nghệ Thuật cho biết, “Phát hiện này sẽ làm thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về bức tranh nổi tiếng nhất thế giới này”.
Bức tranh gốc đầu tiên, hiện đang treo tại bảo tàng Louvre tại Pari, bị che khuất bởi một lớp sơn cũ và đã rạn nứt.
Tuy nhiên việc làm sạch và phục hồi bị cho là quá nhiều rủi ro, vì bức tranh khá mỏng manh.
Báo Nghệ Thuật cho biết thêm, việc loại bỏ các lớp sơn mầu đen trên bản sao này đã để lộ ra “các chi tiết tinh tế về cảnh quan vùng Tuscan”, cảnh đã được phản ánh trên nền bức tranh kiệt tác của Leonardo.
Martin Bailey, người đã thông báo khám phá này cho tờ báo, tiết lộ với BBC: “Bạn hãy nhìn vào đôi mắt nàng Lisa, đôi mắt rất hấp dẫn, và cả nụ cười bí ẩn của Lisa nữa. Thực sự trông Lisa trẻ hơn rất nhiều”.
Trên thực tế, bức tranh mới đã khiến các chuyên gia suy đoán rằng, người phụ nữ làm mẫu cho kiệt tác thời Phục hưng chỉ ở tầm 20 tuổi, trông trẻ hơn nhiều so với hình ảnh tại bức tranh gốc đang trưng bày tại bảo tàng Louvre.
Nhưng sau khi sử dụng X quang để phân tích các bản vẽ gốc bên dưới lớp sơn phủ, các chuyên gia kết luận rằng, bức tranh được vẽ cùng một lúc với bản gốc của Leonardo.
Bảo tàng đã thông báo những phát hiện của mình tại hội nghị về Leonardo Da Vinci tại Thư viện Quốc gia Luân Đôn.
Hiện vẫn còn một số phục hồi đang được thực hiện để hoàn thành bức tranh. Một khi nó được hoàn thành, nó sẽ được trưng bày tại bảo tàng Louvre trong tháng Ba, cho phép các khách tham quan chiêm ngưỡng và so sánh hai tác phẩm.
Hòa Phong
(Theo BBC)