Tiết lộ mới "gây sốc" về sức mạnh bom nhiệt hạch của Triều Tiên
Bloomberg trích dẫn phân tích từ các chuyên gia Frank Pabian, Joseph Bermudez Jr. và Jack Liu trên trang 38 North cho hay, dữ liệu địa chấn mới từ vụ nổ hôm 3/9 cho thấy đây là một quả bom có sức mạnh khoảng 250 kilotons, so với dự đoán là 120 kilotons trước đó. Trong khi đó, năng lượng của quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945 chỉ khoảng 15 kilotons.
Trước đó, cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) ước tính cường độ của trận động đất gây ra từ vụ thử là 6,3 độ Richter, còn Tổ chức Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) và Tổ chức giám sát địa chấn độc lập (NORSAR) báo cáo cường độ là 6,1 độ Richter.
![]() |
Hàn Quốc theo dõi dư chấn từ vụ thử bom của Triều Tiên hôm 3/9. Nguồn: EPA |
Theo trang tin của Viện Mỹ - Hàn thuộc ĐH Johns Hopkins, sức công phá 250 kilotons là gần đạt tới con số tối đa mà khu vực thử hạt nhân dưới lòng đất Punggye-ri của Triều Tiên có thể thực hiện được. Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy các khối đất bắn ra từ nơi thử rất nhiều và ở phạm vi rộng hơn 5 lần thử hạt nhân trước đó của Bình Nhưỡng.
38 North cũng quan sát được hệ thống thoát nước hoạt động nhiều hơn xung quanh khu vực phía bắc của bãi thử, có thể là do kết quả của vụ thử bom mới nhất. Những dòng nước ngầm đó có thể gây ô nhiễm bề mặt và trùng hợp với báo cáo từ phía Hàn Quốc cho biết đã tìm thấy các vật liệu phóng xạ trong môi trường.
Cũng trong sáng 13/9, Ủy ban an ninh và an toàn hạt nhân (NSSC) của Hàn Quốc thông báo phát hiện đồng vị phóng xạ xenon-133 tại nhiều khu vực ở phía đông bắc và phía đông nước này nhưng không ảnh hưởng đến môi trường và người dân. NSSC cũng khẳng định chất phóng xạ này xuất phát từ Triều Tiên. Tuy nhiên, ủy ban chưa rõ vụ thử hạt nhân hôm 3/9 có phải là bom nhiệt hạch hay không.
Theo Reuters, xenon là loại khí tự nhiên không màu, thường được dùng trong sản xuất các loại thiết bị phát ra ánh sáng. Tuy nhiên, đồng vị phóng xạ xenon-133 không có trong tự nhiên và chất này thường xuất hiện trong những vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên.
Vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên nằm trong chương trình phát triển vũ khí dưới thời lãnh đạo của ông Kim Jong Un. Từ khi nhậm chức, ông Kim luôn cam kết sẽ đẩy mạnh xây dựng công nghệ tên lửa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn tới đất liền Hoa Kỳ. Đáp lại, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 11/9 đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới nhằm gây áp lực lên Bình Nhưỡng để nước này từ bỏ chương trình vũ khí của mình.