Tiết kiệm năng lượng là giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng
Năm 2022 nguồn cung mới không đáng kể, nguồn năng lượng tái tạo thì không ổn định. Như vậy, khó khăn đang dồn lên EVN với bài toán đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh nguồn cung ít mà nhu cầu điện tăng cao.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia cao cấp năng lượng, Thường trực Hội đồng Khoa học - Biên tập của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, nhu cầu điện sẽ tăng rất mạnh khi các hoạt động kinh tế, du lịch, giải trí, vận tải, kinh doanh, tiêu dùng được phục hồi.
Ông Nguyễn Anh Tuấn tính toán, kịch bản tăng trưởng nhu cầu điện đang tính mức trung bình là 8-12%, tương đương phải bổ sung 5.500-6.000MW mỗi năm. Trong khi đó, năm nay nguồn cung mới không đáng kể; nguồn năng lượng tái tạo thì không ổn định. Như vậy, khó khăn đang dồn lên EVN với bài toán đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh nguồn cung ít mà nhu cầu điện tăng cao.
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho biết, trong bối cảnh thế giới hiện nay, Việt Nam được xác định là một trong những điểm đến an toàn cho các doanh nghiệp. Điều này sẽ dẫn đến nhu cầu điện tăng trưởng mạnh vào cuối năm nay với mức tăng có thể đạt 8-9%, khi toàn bộ nền sản xuất và dịch vụ đã ổn định. Trong khi đó, nguồn cung năng lượng không có nhiều, các chuỗi dự án năng lượng tái tạo lại đa phần tập trung ở miền Trung và miền Nam, hạ tầng truyền tải chưa đáp ứng nhu cầu truyền tải từ Trung – Nam ra Bắc.
Các diễn giả tham gia tọa đàm. |
Còn theo ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN, ngành điện đang phải đối mặt với 2 vấn đề. Thứ nhất, công suất nguồn điện Việt Nam dù đứng đầu ASEAN nhưng khi thời tiết biến động, 17.000MW điện mặt trời không phát huy được, điện gió cũng huy động được rất khiêm tốn. Đây chính là tính bất định của năng lượng tái tạo. Trong 4 tháng đầu năm 2022, năng lượng truyền thống vẫn đóng vai trò chủ chốt và quyết định trong đảm bảo cung ứng điện quốc gia. Thứ hai, giá khí, giá than nhập khẩu tăng cao khiến chi phí đầu vào vận hành hệ thống điện tăng cũng là thách thức lớn với EVN.
Để đạt được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, thời gian tới cần phải triển khai mạnh mẽ các giải pháp như: đẩy mạnh thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; có giải pháp về tài chính hỗ trợ các dự án đầu tư công nghệ có hiệu suất năng lượng cao không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn từ khối tư nhân; thúc đẩy phát triển mô hình thị trường năng lượng… Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân thông qua tuyên truyền, nâng cao năng lực, trình độ cho các đơn vị sử dụng năng lượng.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN cũng chia sẻ, thời gian qua, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả mới dừng lại ở việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp. Thời gian tới, cần phải chuyển sang cơ chế bắt buộc và phải được luật hoá; đồng thời có cơ chế tài chính trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, để tạo đòn bẩy kinh tế và thúc đẩy người dân, doanh nghiệp có tiềm lực tham gia…
Hiền Anh