“Tiếng khóc” của người tị nạn và cuộc ngã giá Thổ Nhĩ Kỳ - châu Âu
Cuộc trốn chạy bế tắc
Thế giới hẳn chưa quên bức ảnh gây sốc năm 2015 của nhà báo Sakir Khader chụp thi thể cậu bé tị nạn Aylan Kurdi người Syria dạt vào bờ biển Bodrum, TNK. Từ đó đến nay, cuộc chạy trốn chiến tranh của người dân Syria vẫn tiếp diễn khi tiếng súng vẫn chưa ngưng trên quê hương của họ. Giờ đây, có khoảng 130 ngàn người tị nạn Syria đang đổ về biên giới TNK - Hy Lạp và Bulgaria để tìm đường sang châu Âu sau khi Tổng thống TNK Erdogan tuyên bố mở cửa biên giới vì không đủ khả năng cưu mang thêm người tị nạn nữa. Nhưng cánh cửa vào châu Âu của người Syria đang bị đóng lại khi Tổng thống Hy Lạp Mitsotakis tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ người nhập cư bất hợp pháp nào vào lãnh thổ và triển khai tối đa cảnh sát để ngăn chặn người tị nạn, cả biên giới trên bộ giáp với TNK và trên biển Aegean, Địa Trung Hải.
Ở nước láng giềng Bulgaria, 1000 binh sĩ cũng được điều đến biên giới để ngăn không cho người tị nạn vượt qua. TNK cũng triển khai 1.000 cảnh sát đặc nhiệm đến biên giới để ngăn không cho Hy Lạp đẩy người tị nạn quay lại lãnh thổ. Có thể tưởng tượng rằng hàng ngàn người tị nạn sẽ không có lối thoát trước họng súng của cảnh sát ba nước TNK, Hy Lạp và Bulgaria. Truyền thông TNK đưa tin đã có người tị nạn thiệt mạng khi xô xát với cảnh sát Hy Lạp ở biên giới – lại thêm những đồng hương của cậu bé Aylan phải chung số phận trên đường trốn chạy mong đến miền đất bình yên.
Cảnh sát Hy Lạp và Bulgaria tìm mọi cách ngăn chặn người tị nạn từ Syria. |
Gánh nặng của Thổ Nhĩ Kỳ
Rất dễ nhìn thấy ở nhiều nơi trên lãnh thổ TNK, đặc biệt các tỉnh biên giới giáp Syria như Hatay, Gaziantep, Adana …hàng dãy lều trại tạm bợ của người tị nạn Syria mọc san sát bên đường quốc lộ, bên những tòa cao ốc, hay trên những cánh đồng cam và oliu và không khó bắt gặp cảnh người tị nạn ăn xin trên nhiều đường phố TNK. Chắc chắn người dân TNK không muốn nhìn thấy tình cảnh của này của người láng giềng và người Syria cũng không bao giờ muốn phải lâm vào bước đường cùng “ở đậu” bởi họ cũng đã từng có một quê hương, đất nước thanh bình trước khi nổ ra nội chiến 2011.
Theo thống kê của TNK và Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), hiện nay TNK đang cưu mang 3,7 triệu người tị nạn – nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới, chủ yếu là người Syria và hơn 1 triệu người nữa đang tập trung tại biên giới gần khu vực xung đột tỉnh Idlib sẵn sàng tràn qua, nguy cơ TNK sắp phải đối mặt với gánh nặng gần 5 triệu người tị nạn (bằng dân số của Thủ đô Ankara). Chỉ cần 10 Lira (tiền TNK) cho một người/ngày, thì mỗi ngày chính quyền TNK phải chi 50 triệu Lira (800.000 USD) cho người tị nạn.
Cuối năm ngoái, Thứ trưởng Ngoại giao TNK về EU cho biết 09 năm qua chính quyền TNK phải chi 40 tỉ USD cho người tị nạn. Là một nước phát triển, có nền kinh tế đứng thứ 17 thế giới nhưng không phải người dân nào của TNK cũng có cuộc sống khá giả, nhiều người nông thôn đời sống vẫn khó khăn. Do vậy, thật “bất công” cho người dân TNK khi chính phủ phải tiếp tục chi một khoản tiền quá lớn cho người tị nạn.
Những tỉnh giáp biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ đang phải "gánh" một lượng lớn người tị nạn Syria. |
Cam kết chưa trọn vẹn của người châu Âu và quyết định của TNK
Những tưởng thỏa thuận về người nhập cư giữa TNK và EU được ký kết tháng 3/2016 sẽ được thực hiện trôi chảy, nhưng từ đó đến nay các điều khoản của thỏa thuận vẫn chưa được thực hiện. Theo thỏa thuận này, phía TNK có trách nhiệm hạn chế người di cư bất hợp pháp vào EU, đổi lại EU phải cung cấp 6 tỉ Euro cho TNK hỗ trợ người tị nạn, đồng thời xem xét miễn thị thực cho người TNK. Theo giới chức TNK, EU mới chỉ chi theo kiểu nhỏ giọt khoảng 3,5 tỉ Euro và gần như “quên lãng” việc đàm phán miễn thị thực cho người Thổ.
Trong những năm qua, ông Erdogan đã nhiều lần kêu gọi, thậm chí đã đe dọa EU thực hiện cam kết nếu không sẽ mở cửa biên giới. Đáng tiếc, EU đã bỏ “ngoài tai” cảnh báo của TNK, mặc dù nguy cơ hiện hữu. Ngoài gánh nặng tiền bạc, xã hội TNK đang phải chịu nhiều hệ lụy do người tị nạn gây ra như thất nghiệp, cờ bạc, ma túy, buôn lậu, buôn người, mại dâm …những tệ nạn của xã hội đều có cả.
Sức chịu đựng là cần thiết, nhưng khoảng thời gian 9 năm dường như đã quá đủ đối với người Thổ. Ngày 05/3, EU đã phải mở hầu bao chi bổ sung 500 triệu Euro cho người tị nạn Syria ở TNK, nhưng đến lúc này từng đó có lẽ là không đủ.
Cuộc mặc cả khó khăn
Theo tuyên bố của Văn phòng Tổng thống TNK, ngày 09/3, ông Erdogan sẽ sang Bỉ để thương thuyết với EU, mang theo ba vấn đề đàm phán: dỡ bỏ hạn chế thị thực cho công dân TNK; khủng hoảng người tị nạn và nâng cấp Hiệp định Liên minh Thuế quan TNK – EU (ký năm 1995). Liệu EU có chấp nhận ba điều kiện này hay không?.
Về phía EU: người châu Âu vẫn chưa quên được nỗi ám ảnh giai đoạn 2015 -2016 khi hàng ngàn người từ Trung Đông tràn vào. Cơ quan Di trú Quốc tế tính toán, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016 đã có 227 ngàn người tị nạn vào châu Âu- thực sự là một cuộc khủng hoảng, một thách thức quá lớn về mọi mặt đối với châu Âu.
Xã hội châu Âu với những giá trị truyền thống về tôn giáo và văn hóa đã được thế giới thừa nhận, một chuẩn mực kinh tế được thế giới noi theo bị phá vỡ bởi làn sóng người nhập cư được coi là “hạ đẳng” với nhiều số không – không tiền, không việc, không nhà, không kiến thức... Người châu Âu không chỉ trích, đã đón nhận, nhưng người tị nạn không phải là khách một ngày, một tháng rồi ra đi, mà là định cư mãi mãi. Cái nhìn thiện cảm ban đầu chỉ thoáng qua và rồi nhiều hệ lụy đã xảy ra phá vỡ những giá trị bao đời của châu Âu.
Người dân Đức đã sốc và không thể quên “đêm giao thừa nhục nhã” khi vào ngày cuối cùng của năm 2015, khoảng 1.500 người, chủ yếu là dân tị nạn và nhập cư tụ tập ở nhà ga trung tâm Cologne lợi dụng đám đông tấn công tình dục và cướp bóc. Người Đức đã chỉ trích chính sách nhập cư của Thủ tướng Merkel, không còn thiện cảm nữa mà là sự căm ghét...
Liệu châu Âu có thể chịu đựng được làn sóng người tị nạn mới đang dồn về biên giới, chắc chắn giới chức châu Âu sẽ phải đau đầu để ngả giá với ông Erdogan trong những ngày tới.
Về phía TNK: ba điều kiện mà ông Erdogan sẽ đưa ra đối với EU là thách thức không dễ vượt qua. Liệu châu Âu có dỡ bỏ thị thực cho hơn 80 triệu người Thổ Hồi giáo hay không? Câu trả lời là rất khó. Theo một ý nghĩa nào đó, nếu trường hợp này xảy ra, đường biên giới TNK – châu Âu sẽ không còn nhiều ý nghĩa, TNK sẽ tiến hơn một bước vào EU và rồi xã hội thuần túy Cơ Đốc giáo sẽ ra sao khi đâu đâu cũng là người Hồi giáo.
Liệu châu Âu có tiếp tục muốn TNK ngăn chặn người tị nạn nữa hay không? Chắc chắn 100% họ muốn! chỉ có điều phải trả bao nhiêu tiền – giờ đây không phải là 6 tỉ Euro như cam kết 2016 và không phải chỉ 500 triệu Euro như vừa tuyên bố mà có lẽ sẽ phải nhiều hơn thế.
Liệu châu Âu có đàm phán nâng cấp Hiệp định Liên minh Thuế quan hay không? Chắc chắn sẽ là một thách thức! Nếu châu Âu nâng cấp hiệp định này, nhiều loại hàng hóa TNK sẽ vào EU với thuế suất thấp – một cuộc cạnh tranh lâu dài sẽ diễn ra, “nồi cơm” của người châu Âu sẽ không còn đầy như trước nữa.
Tuy nhiên, dù cuộc thương thuyết có thành công, châu Âu phải trả giá cỡ nào, và TNK sẽ lại đóng cửa biên giới, nhưng vẫn là giải pháp tình thế. Cội nguồn gây ra tình trạng này là chiến tranh, và khi tiếng súng trên đất Syria chưa ngưng, thì người dân vẫn phải chạy trốn để bảo toàn mạng sống. Vì vậy, phải chấm dứt chiến tranh, mang lại hòa bình cho Syria để người dân không còn phải tha phương, lưu tán và để thế giới không phải một lần nữa phải chứng chiến hình ảnh tương tự như của bé Aylan.