Tiêm phòng sởi đang “bỏ quên” trẻ bị tim mạch
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thăm trẻ bị sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. |
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là một trong những bệnh viện tiếp nhận nhiều nhất số ca mắc sởi tại TP.HCM. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận 1.025 ca khám ngoai trú bệnh sởi, nhập viện nội trú 645 trường hợp. Đáng lưu ý là có những ca người lớn mắc sởi trên bệnh nền khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Thậm chí là có nhiều phụ nữ mang thai mắc sởi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết, đây là năm đầu tiên bệnh viện tiếp số ca mắc sởi ở cả người lớn và trẻ em nhiều như vậy, với tỷ lệ người lớn và trẻ em đang tương đồng nhau 50 - 50. Trong số các ca điều trị tại bệnh viện này, có đến 66% bệnh nhân ngụ tại TP.HCM, còn lại là bệnh nhân chủ yếu từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Tại bệnh viện, đã có nhiều ca biến chứng phải thở máy, chiếm 27% các bệnh nhân được điều trị nội trú. Bệnh viện đã dành 2 khoa để tiếp nhận bệnh nhân mắc sởi, gồm người lớn và trẻ con tách biệt.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, qua khảo sát từ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân cho thấy thông tin các ca bệnh được bệnh viện nhập vào phần mềm, đến khi truy tìm tại địa phương thì không thấy địa chỉ này nên tìm không ra bệnh nhân nên không biết nguyên nhân là do bệnh nhân khai không chính xác hay bệnh viện khai thác không chính xác. Vì vậy bệnh viện cần phối hợp tốt và khai thác ca bệnh để y tế dự phòng có thông tin nhằm điều tra dịch tễ, vận động người dân đi tiêm (chích - PV) ngừa vắc xin sởi.
Tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện đang điều trị cho 30 trẻ mắc sởi, hầu hết là các ca nặng, biến chứng viêm phổi. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết 60% số trẻ mắc bệnh đến từ các tỉnh, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm phòng mũi sởi nào.
Theo BS Khanh, việc tiêm vét ngoài cộng đồng hiện nay chưa thật sự hiệu quả, nhiều nơi chỉ đạt 50 – 60%. BS Khanh nhận định: “Chỗ có thể “trám” vào lỗ hổng tiêm vét hiện nay chính là các bệnh viện nhi, nơi bệnh nhân vừa hết bệnh và được bác sĩ điều trị chỉ định đi tiêm sởi. Thông thường, bác sĩ nói sẽ hiệu quả hơn y tế dự phòng, nếu các bệnh viện nhi làm thường xuyên, chịu khó khai thác thì việc tiêm sởi sẽ rất hiệu quả”
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay các đối tượng trẻ bị tim mạch đang bị “bỏ quên” trong tiêm phòng sởi. Theo các bác sĩ khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1, trạm y tế xã phường, trung tâm y tế quận/huyện rất ngại và rất sợ, thường né không tiêm cho những đối tượng này vì sợ xảy ra nguy cơ, trong khi đây chính là một trong những nguồn lây nhiễm sởi rất lớn.
BS Trương Hữu Khanh cho biết, hiện đang có khoảng trống với đối tượng nguy cơ không được chích sởi. Bác sĩ chữa bệnh tim mạch không nói với bệnh nhân là có thể tiêm được những mũi gì; nhân viên y tế tiêm phòng không biết hỏi ai nên không dám tiêm. Chính vì chưa liên kết được 2 đầu mối này nên những đối tượng trẻ mắc các bệnh lý bẩm sinh bị gạt ra ngoài trong tiêm chủng. Hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thực hiện được việc quản lý với những trẻ điều trị tại khoa Tim mạch. Theo đó, khi có bệnh nhân tim mạch xuất viện, bác sĩ phải khám lại và xác nhận bệnh nhi đó an toàn với tiêm phòng sởi để trẻ được tiêm đủ mũi.
Từ tình hình thực tế, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng lưu ý các bệnh viện cần kiểm soát không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đề nghị Trung tâm y tế dự phòng cần phải tăng cường kiểm soát tỷ lệ tiêm chủng, không để lặp lại kịch bản năm 2014 khiến sởi bùng phát thành dịch. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế và phối hợp với lâm sàng, bắt đầu thực hiện điều tra về ca bệnh, nghiên cứu về tình hình dịch điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, về cơ bản các bệnh viện đã có các biện pháp ngăn ngừa sự lây nhiễm chéo, tuy vậy vẫn phải đặc biệt đề phòng đối với những khoa miễn dịch yếu như tim mạch. Sở Y tế TP.HCM đã giao cho các bệnh viện nhi thực hiện thí điểm rà soát đối với các trẻ dưới 5 tuổi đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện, nếu chưa tiêm chủng sẽ được tiêm ngay tại bệnh viện.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính đến tuần thứ 3 của năm 2019, toàn thành phố ghi nhận gần 2.000 ca mắc sởi, tập trung nhiều ở các quận, huyện có nhiều khu công nghiệp, khu vực giáp ranh, đứng đầu là quận Bình Tân, sau đó là quận Tân Phú, Thủ Đức... Trong số gần 2.000 ca mắc sởi thì 95% là các đối tượng chưa được tiêm chủng, một số trường hợp tiêm không đầy đủ.
Theo trung tâm này, hiện nay số ca bệnh sởi đang gia tăng và chưa có dấu hiệu giảm, trong khi đó, khi cán bộ y tế dự phòng khảo sát nhiều người dân, công nhân lao động về vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ thì kết quả cho thấy nhiều người không biết đến việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Đặc biệt, có rất nhiều phụ huynh cho con tiêm sởi dịch vụ mũi 1 lúc 12 tháng tuổi, không chịu đưa con đi tiêm mũi 2 vì hiểu sai về lịch tiêm chủng. Vì vậy, sắp tới, Sở Y tế sẽ làm việc với các cơ sở tiêm dịch vụ, có chế tài xử phạt nếu tư vấn sai, khiến cho người dân không đưa trẻ đi tiêm nhắc lại.
Bà Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, quy định trẻ đến tuổi tiêm chủng phải đi tiêm phòng đầy đủ, nhưng lại không có một chế tài nào để xử lý hành vi vi phạm không đưa trẻ đi tiêm chủng. Chính vì vậy, nếu phụ huynh kiên quyết từ chối, sẽ rất khó tiêm cho trẻ. Cần phải có chế tài quy định rõ ràng cho vấn đề này mới nâng cao được tỉ lệ tiêm chủng nhanh chóng.
Cũng theo các chuyên gia y tế dự phòng, hiện nay việc truyền thông chỉ tập trung vào tuyên truyền tiêm sởi dành cho trẻ em, chưa chú trọng đến người lớn nên cần phải tập trung vào những đối tượng này.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đặc thù bệnh sởi tập trung ở các địa phương có sự di biến động dân cư, nhiều nhất ở TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Nếu tỉ lệ tiêm chủng thấp thì sau nhiều năm, các ca không được tiêm chủng sẽ tích lũy và bùng phát thành dịch.