Thủy thủ Mỹ trên tàu sân bay tử vong vì Covid-19, Anh – Pháp kéo dài cách ly xã hội
Sputnik đưa tin, trong tuyên bố hôm 13/4, hải quân Mỹ cho biết gần 600 thủy thủ mắc Covid-19 trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Trong đó, một trường hợp đầu tiên đã thiệt mạng. Danh tính của thủy thủ này không được công bố, nhưng theo nguồn tin từ tờ Wall Street Journal, sau thời gian nằm trong phòng chăm sóc tích cực (ICU), nạn nhân khoảng 40 tuổi đã qua đời hôm 13/4.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ ghi nhận 1 thủy thủ tử vong do mắc Covid-19. (Ảnh: CNN) |
Neo đậu ở ngoài đảo Guam, các thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được nhóm chuyên gia hải quân kiểm tra sức khỏe hai lần/ngày.
Tính tới ngày 13/4, 585 thủy thủ trên tàu sân bay có kết quả dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp và 3.921 người có kết quả âm tính.
Trong khi đó, tại Anh, tính tới ngày 13/4, số ca tử vong do mắc Covid-19 đã tăng lên 11.329. Chính phủ Anh cũng đã đưa ra tuyên bố ám chỉ việc xóa bỏ lệnh phong tỏa chưa thể thực hiện trong tuần này.
Số người chết vì mắc Covid-19 tại Anh hiện đứng thứ 5 trên thế giới và một cố vấn khoa học cấp cao trong chính phủ nước này cho hay, nguy cơ Anh có thể trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19 tại châu Âu.
Trong thời gian qua, chính phủ Anh đã phải nhận sự chỉ trích lớn khi quá chậm chạp trong việc ban bố lệnh phong tỏa.
“Giữa con số người chết, một số dấu hiệu tích cực từ dữ liệu cũng đã cho thấy chúng ta đang bắt đầu chiến thắng dịch bệnh”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab.
Song ông Raab cũng thừa nhận, “Chúng ta vẫn còn con đường dài phải đi. Chúng ta vẫn chưa qua đỉnh dịch”.
Ủy ban cố vấn khoa học cho chính phủ Anh đang xem xét những bằng chứng về hiệu quả của biện pháp cách ly xã hội trong tuần này, còn theo ông Raab, các lệnh giới hạn sẽ chưa thể được gỡ bỏ.
Đáng nói, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã được xuất viện hôm 12/4 sau một tuần nằm điều trị do mắc Covid-19. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện St Thomas ở London, ông Johnson đã có ba ngày phải nằm trong ICU. Thủ tướng Anh hiện sống ở Chequers cùng với người bạn gái đang mang thai và không rõ bao giờ nhà lãnh đạo Anh mới quay trở lại làm việc.
Cũng trong ngày 13/4, RT đưa tin, Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron tuyên bố nước này sẽ duy trì lệnh phong tỏa tới ít nhất là ngày 11/5. Thủ tướng Pháp kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện những quy định của chính phủ nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Tuyên bố kéo dài lệnh phong tỏa đất nước được ông Macron đưa ra khi mà trong vòng 24 giờ, số ngườichết vì Covid-19 tại quốc gia này tăng thêm 574 ca.
Trong tuyên bố, Thủ tướng Macron thừa nhận Pháp đã không chuẩn bị ứng phó với bệnh dịch. Ông đồng thời lên tiếng ca ngợi những người phục vụ tuyến đầu đã làm việc không ngừng nghỉ để cứu sống bệnh nhân và kêu gọi người dân Pháp hãy ở nhà cũng như duy trì lệnh cách ly xã hội. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ kinh tế cũng sẽ được chi cho những người lao động bị ảnh hưởng vì dịch bệnh như ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng và văn hóa.
Toàn nước Pháp thực hiện lệnh phong tỏa kể từ giữa tháng Ba với tổng số người chết vì Covid-19 là 133.685. Hiện Pháp đứng thứ 4 thế giới chỉ sau Mỹ, Tây Ban Nha và Italy về số người thiệt mạng do Covid-19.