Thương vụ mua S-400 của Nga: Mỹ buông thêm lời dọa dẫm Thổ Nhĩ Kỳ
Đây là tuyên bố của ông Clark Cooper, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị và quân sự thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ với các phóng viên ở Washington.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. (Ảnh: Sputnik) |
Cũng theo ông Cooper, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là “trường hợp đáng quan tâm” để cho các đối tác khác của Mỹ thấy được họ nên hay không nên “tìm cách mua các thiết bị quân sự từ một đối thủ gần ngang hàng với Mỹ”.
Điều đáng nói, theo ông Cooper, dù Mỹ - Thổ bất đồng về thương S-400 của Nga, nhưng quan hệ hợp tác quân sự giữa Washington và Ankara vẫn rất mạnh mẽ.
Nga đã hoàn thành chuyển giao lô hệ thống phòng không S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa hè năm nay theo bản hợp đồng được hai bên ký kết vào tháng 12/2017, bất chấp Mỹ yêu cầu Ankara từ bỏ thương vụ mua S-400.
Ngoài ra, nhằm thế chân S-400 của Nga, Washington đã đề xuất phương án để Ankara mua hệ thống tên lửa Patriotmà ban đầu, Nhà Trắng từng từ chối bán cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi theo Mỹ, hệ thống S-400 không tương thích với hoạt động của các hệ thống vũ khí mà NATO đang sử dụng trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên trong khối. Cũng theo Mỹ, hoạt động của S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra các mối đe dọa đối với tiêm kích tàng hình F-35 vốn được Ankara đặt mua.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị thành lập một nhóm công tác với Washington để giải quyết những mối quan ngại về thương vụ S-400, thì Mỹ lại gạt phăng.
Thay vào đó, Nhà Trắng tuyên bố tạm thời loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất tiêm kích F-35, cũng như dừng chuyển giao các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 này cho Ankara.
Về phần mình, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ chọn mua S-400 thay vì Patriot là do Nga đưa ra một thỏa thuận tốt hơn so với Mỹ và Ankara không có ý định thay đổi ý kiến.
Bên cạnh đó, Ankara chỉ trích việc Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất tiêm kích F-35 là hành động vô pháp.