Thượng nghị sĩ Mỹ: Syria sẽ thành “ổ dịch khủng bố” như Iraq nếu Mỹ rút quân
Trả lời phỏng vấn tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Graham đã bày tỏ sự bất bình trước việc Mỹ rút 2.000 binh lính đang hoạt động ở Syria về nước và mong Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành rút quân dần dần.
![]() |
Nhà nguyện lớn al-Nuri và tháp al-Hadba ở thành phố Mosul (Iraq) bị phá hủy hoàn toàn do cuộc chiến chống IS. |
“Tôi đã từng nói với Tổng thống Trump rằng nếu ông không suy nghĩ kỹ càng khi rút quân, ông sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ gặp một cơn ác mộng”, ông Graham nói.
Ông Graham trước đây cũng kêu gọi ông Trump hãy “từ từ” rút quân ở Syria, bởi ông cho rằng nếu rút quân quá nhanh sẽ khiến Israel gặp nguy hiểm, đồng thời khiến Iran có thể tự tin hành động và châm ngòi cho một cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và “các đồng minh người Kurd của chúng ta”.
Nhìn chung, những phát biểu của ông Graham có phần nhẹ nhàng hơn so với phát ngôn mạnh bạo của ông Trump vào tuần trước. Khi đó, ông Trump đã đe dọa sẽ “hủy hoại kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ” nếu họ tấn công người Kurd, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là lúc thích hợp để đưa quân về nước.
Ông Graham nói rằng quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang phối hợp thực hiện một kế hoạch nhằm thiết lập một vùng đệm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và binh lính người Kurd ở Syria “để Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng họ không bị đe dọa bởi lực lượng dân quân người Kurd YPG ở Syria”.
Lực lượng YPG là một trong những trụ cột của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh có thành phần phần lớn là các binh lính người Kurd được Washington hỗ trợ về vật chất và bảo vệ trong suốt chiều dài cuộc chiến ở Syria. Ông Graham cho biết để đảm bảo lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd phải từ bỏ vũ khí hạng nặng họ đang có và tránh xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang không được tốt, một trong những lý do là bởi Washington hỗ trợ lực lượng dân quân người Kurd YPG, những người mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là một phân nhánh của Đảng Lao động Kurdistan (PKK), tổ chức đã bị Ankara coi là khủng bố.
Mặc dù quan hệ không tốt, Washington vẫn không muốn bỏ rơi lực lượng người Kurd hoàn toàn. “Đó là những người đã cùng chúng ta chiến đấu chống IS, vì vậy chúng ta vẫn nợ họ một điều gì đó”, ông Graham nói.
Thượng nghị sĩ Mỹ cho biết, quân đội Mỹ nên tiếp tục ở lại Syria, nếu không quốc gia này không những sẽ đi vào vết xe đổ của Iraq mà thậm chí tình hình còn tệ hơn trước rất nhiều. “Nếu chúng ta làm không cẩn thận, chúng ta sẽ đối mặt với Syria như một “phiên bản doping” của Iraq”, ông nói.
Trong quá khứ, quân đội Mỹ đã rút quân khỏi Iraq vào năm 2011, 9 năm kể từ khi tiến quân xâm lược Syria. Song vào năm 2014, Mỹ lại quay trở lại Iraq khi quốc gia này đã bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh và tình trạng bạo lực và chứng kiến sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Iraq đã nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ Washington, song đến nay những hoạt động này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là bởi tình trạng tham nhũng tràn lan trong chính phủ Iraq. Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi thừa nhận rằng nạn tham nhũng “đã làm hỏng hình ảnh của chính phủ và xã hội Iraq cũng như uy tín của người dân nói chung”.
Trái với Iraq, Syria đang có một chính phủ đang vận hành khá tốt và với sự trợ giúp của Nga đã đánh bại IS và khiến họ không thể bị lật đổ bởi các lực lượng được phương Tây hậu thuẫn.