Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi bồi thường cho cựu binh chiến tranh Việt Nam
Bức thư do nhóm thượng nghị sĩ dẫn đầu bởi ông Richard Burr (đảng Cộng hòa) và ông Jeff Merkley (đảng Dân chủ) gửi đến ông Robert McDonald, người đứng đầu Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA), cho rằng VA nên ngay lập tức bồi thường cho các cựu chiến binh đã bị nhiễm chất độc màu da cam khi vận hành các máy bay vận tải quân sự C-123 trong và sau chiến tranh tại Việt Nam.
Nhiều cựu binh Mỹ cũng là nạn nhân của chất độc màu da cam mà Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam.. |
Trước đó, theo tờ Washington Post, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng những máy bay vận tải quân sự C-123 từng chở chất độc màu da cam rải xuống Việt Nam để chở quân lính trong nhiều năm.
Bức thư được công bố hôm 4/2 có đoạn: "Chúng tôi muốn thấy các cựu binh đã từng lên C-123 cho đến giờ vẫn đang phải chịu đựng đau khổ vì bị nhiễm chất độc màu da cam phải nhận được sự giúp đỡ cần thiết”.
Các thượng nghị sĩ cho biết, việc VA thất bại trong việc bồi thường cho tất cả các cựu binh đang gây nhiều thất vọng.
Bức thư có đoạn: "Mặc dù có nhiều báo cáo của Không quân Mỹ từ những năm 1979 cho rằng máy bay C-123 đã bị nhiễm độc. Nhiều chuyên gia cả trong và ngoài chính phủ đều cho rằng những cựu binh này đã bị nhiễm chất độc da cam và nhiều chất độc khác. Trong khi đó, một tòa án đã ra phán quyết ngừng bán những chiếc máy bay C-123 cũ (đã từng chở chất độc màu da cam) vì nó “'nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng". Nhưng cho đến nay VA vẫn cố tình khẳng định không có cựu binh C-123 sau cuộc chiến tại Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc màu da cam với mức độ gây nguy hiểm”.
Hồi tháng 1/2015, Viện Y học Mỹ đã đưa ra một báo cáo cho thấy có khoảng 1500 đến 2100 cựu binh bị phơi nhiễm và bị bệnh do nhiễm chất độc màu da cam trên những máy bay C-123 không được khử trùng đúng cách.
Mỹ đã rải hàng chục triệu lít chất độc da cam xuống Việt Nam, gây ảnh hưởng nặng nề cho nhiều thế hệ ở Việt Nam.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh thị trường truyền thông thế giới. Sputnik sẽ chính thức thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.