Thực trạng và tương lai phát triển của mồi bẫy ngư lôi

Hiện nay, mồi bẫy âm thanh nhử mồi ngư lôi (gọi tắt là mồi bẫy ngư lôi) là loại khí tài chống ngư lôi được hải quân các nước sử dụng rộng rãi và đạt hiệu quả cao.
Thực trạng và tương lai phát triển của mồi bẫy ngư lôi - ảnh 1

Một số mẫu ngư lôi

Ngư lôi là loại vũ khí truyền thống hàng trăm năm của hải quân, là vũ khí chủ yếu của tàu chiến, đồng thời cũng là mối đe dọa chủ yếu của tàu chiến đấu mặt nước và tàu ngầm. Ngư lôi có các đặc điểm: tốc độ nhanh, hành trình xa, tính bí mật tốt, dùng bền và có sức phá hủy lớn, được mệnh danh là "Tên lửa dưới nước". Làm thế nào để tránh ngư lôi luôn là trọng điểm nghiên cứu của hải quân các nước. 

Nguyên lí và các loại của mồi bẫy ngư lôi

Ngư lôi ban đầu chủ yếu là loại phóng thẳng, nên tàu chiến chỉ cần chuyển hướng là có thể phòng tránh an toàn. Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, ngư lôi tự dẫn đường và ngư lôi điều khiển bằng dây xuất hiện, đã biến loại vũ khí này trở thành “tên lửa dưới nước” thực sự. Thập niên 60 Thế kỉ 20, cùng với sự phát triển không ngừng của kĩ thuật ngư lôi, những giải pháp chống ngư lôi cũng dần dần xuất hiện và phát triển thành kiểu "sát thương mềm" và "sát thương cứng". Sát thương cứng chủ yếu sử dụng phao chống ngư lôi, bom chìm chống ngư lôi…, dùng để tiến công, đánh chặn và phá hủy ngư lôi. Mồi bẫy ngư lôi là một trong những biện pháp "sát thương mềm" chủ yếu. Tính năng tác dụng chính của loại vũ khí này là "đánh lừa". Phương thức đánh lừa là phát ra sóng âm thanh, mục đích cuối cùng là lừa nhử ngư lôi theo bám và tiến công nhầm, từ đó đảm bảo an toàn cho tàu chiến. Mồi bẫy ngư lôi mô phỏng trường vật lí cảm ứng của mục tiêu thật, ví dụ mô phỏng tiếng ồn của tàu ngầm hoặc tạo ra mạch xung phản hồi tín hiệu thăm dò chủ động để mô phỏng sóng phản hồi của tàu ngầm, khiến ngư lôi phán đoán và theo bám nhầm, dẫn ngư lôi di chuyển ra xa mục tiêu, nhằm bảo vệ an toàn cho tàu thuyền.

Thực trạng và tương lai phát triển của mồi bẫy ngư lôi - ảnh 2

Tàu chiến Nhật Bản Fuyuzuki diễn tập phóng ngư lôi hạng nhẹ 324mm HOS-303

Đối tượng của loại mồi bẫy này là ngư lôi dẫn đường bằng âm thanh. Có nhiều cách phân loại mồi bẫy ngư lôi: mồi bẫy mô phỏng tiếng ồn, mồi bẫy mô phỏng âm thanh phản hồi và mồi bẫy mô phỏng tổng hợp. Mồi bẫy mô phỏng tiếng ồn bắt chước tiếng ồn phát ra từ tàu ngầm để lừa nhử ngư lôi dẫn đường bằng âm thanh thụ động tìm kiếm và bám theo. Mồi bẫy mô phỏng âm thanh phản hồi thông qua chuyển phát tín hiệu sôna chủ động của địch, mô phỏng tín hiệu sóng phản hồi của tàu để nhử ngư lôi dẫn đường bằng âm thanh thụ động tìm kiếm và bám theo, từ đó dẫn ngư lôi rời xa con tàu. Mồi bẫy mô phỏng tổng hợp lắp đặt cả bộ phát mô phỏng tiếng ồn và bộ phát mô phỏng âm thanh phản hồi, làm giả âm thanh tổng hợp của tàu chiến để đánh lừa việc tìm kiếm và theo bám của ngư lôi dẫn đường bằng âm thanh chủ động và thụ động, thường được gọi là mồi bẫy ngư lôi kiểu tự động. Phân loại theo phương tiện sử dụng sẽ gồm mồi bẫy ngư lôi của tàu mặt nước và mồi bẫy ngư lôi của tàu ngầm, nhưng thông thường mồi bẫy ngư lôi chủ yếu được phân loại theo phương thức sử dụng, gồm mồi bẫy ngư lôi kiểu cáp kéo, kiểu tự hành và kiểu thả nổi.

Mồi bẫy ngư lôi kiểu cáp kéo thường được trang bị cho tàu mặt nước, có thể sử dụng nhiều lần, sử dụng thăm dò tín hiệu âm thanh của ngư lôi dẫn đường bằng âm thanh chủ động, thực hiện báo động khi bị ngư lôi tấn công để tàu chiến kịp thời lựa chọn giải pháp đối phó và cơ động. Mồi bẫy ngư lôi kiểu tự hành là loại khí tài đối kháng thủy âm kiểu đánh lừa có gắn hệ thống hành trình, hệ thống điều khiển dẫn đường và hệ thống đối kháng âm thanh, nhìn bề ngoài giống một quả ngư lôi, thường được trang bị cho tàu ngầm, chủ yếu dùng đối phó với ngư lôi dẫn đường bằng âm thanh. Mồi bẫy âm thanh kiểu tự hành không những có thể mô phỏng đặc điểm tiếng ồn phát ra từ tàu ngầm và đặc điểm phản xạ âm thanh, mà còn có thể mô phỏng đặc tính vận động của tàu ngầm, có khả năng đánh lừa ngư lôi rất tốt. Mồi bẫy âm thanh kiểu tự hành có những ưu điểm như: năng lực mô phỏng giống như thật, tốc độ tách ra khỏi tàu ngầm nhanh, cự li nguồn gây nhiễu cách xa tàu ngầm, là khí tài đối kháng thủy âm quan trọng của tàu ngầm, và cũng là trọng điểm phát triển khí tài đối kháng thủy âm những năm gần đây.

 Mồi bẫy ngư lôi kiểu thả nổi có thể trang bị cho cả tàu mặt nước và tàu ngầm, thuộc loại khí tài dùng một lần, giống như phao nổi sôna, bộ phận phát ra âm thanh có thể tạo ra tín hiệu gây nhiễu âm thanh dải rộng hoặc tín hiệu tiếng ồn hay mô phỏng sóng của mục tiêu đang di chuyển. Khi sử dụng, loại mồi bẫy này thường được thả ra ở khoảng giữa (tính từ tàu đến ngư lôi tấn công), sau đó tàu chiến sẽ tìm cách cơ động tránh né hoặc bỏ chạy.

Thực trạng phát triển mồi bẫy ngư lôi ở một số nước

            1. Mỹ

Hiện nay, Mĩ đứng đầu thế giới về phương diện phát triển mồi bẫy ngư lôi. Mồi bẫy ngư lôi được trang bị hiện nay của Mĩ là mồi bẫy kiểu cáp kéo AN/SLQ-25A dùng cho tàu mặt nước. Mồi bẫy này được điều khiển số hóa và thiết kế kiểu môđun, có khả năng đánh lừa loại ngư lôi tìm bắt mục tiêu nhờ âm thanh. Khi sử dụng, AN/SLQ-25 thông qua ống phóng phía đuôi tàu để phóng ra một phao tiêu hình dây, sử dụng một dây cáp điện đồng trục truyền tín hiệu kéo theo phía đuôi tàu. Bên trong phao tiêu là một thiết bị phát âm thanh dưới nước, sử dụng phương thức điện tử hoặc điện cơ để phát ra tín hiệu âm thanh dụ ngư lôi. Do tín hiệu phát ra mạnh hơn cả tín hiệu âm thanh của tàu nên có thể bảo vệ cho tàu không bị tấn công.

AN/SLQ-25 có thể bố trí từng chiếc hoặc bố trí cả đôi, khi phóng ra và thu về, yêu cầu tốc độ của tàu chiến không được quá 15 hải lí/giờ. Hiện nay, phần lớn tàu chiến của Hải quân Mĩ đều trang bị AN/SLQ-25, mồi bẫy này đã trở thành "bùa hộ mệnh" không thể thiếu của tàu chiến Mĩ.

 AN/SLQ-25 có hai loại, loại A thuộc sản phẩm từ thập niên 80 thế kỉ trước, tỏ ra kém hiệu quả khi đối phó với loại "ngư lôi thông minh" thế hệ mới. Loại B đang được Hải quân Mĩ sử dụng hiện nay có khả năng đánh lừa ngư lôi tốt hơn, được lắp thêm hệ thống xenxơ dạng cáp kéo, có khả năng phát ra cảnh báo đối với ngư lôi hoặc tàu ngầm. AN/SLQ-25B có thể sử dụng để đối phó với ngư lôi tìm bắt mục tiêu bằng âm thanh chủ động, có khả năng ngăn chặn tín hiệu xung mạch của ngư lôi, đồng thời kích âm thanh to lên gấp 2 - 3 lần âm thanh gốc nhằm thu hút ngư lôi đến tấn công, năng lực đánh lừa được nâng cao rõ rệt.

Mồi bẫy ngư lôi loại dùng một lần do Mĩ chế tạo chủ yếu gồm: ADC MK-1, 2, 3, 4, 5, 6. Loại mồi bẫy này chủ yếu được phóng từ tàu ngầm, hiện nay, loại ADC MK-1 đã sản xuất 2000 quả và loại ADC MK-2 đã sản xuất trên 1000 quả. Trong đó, ADC MK-1 là thiết bị đối kháng thủy âm được thiết kế sử dụng cho tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn. Đây là thiết bị phát tiếng ồn dải rộng kiểu điện cơ dùng một lần, có đường kính 127mm. ADC MK-3 từng được gọi là "mồi bẫy ngư lôi tiên tiến" (ATD), là loại khí tài chống ngư lôi tự lập trình, có đường kính 152,4mm, chủ yếu dùng để chống ngư lôi dẫn đường chủ động, thụ động hiện có và trong tương lai. ADC MK-4 là loại khí tài đối kháng thủy âm sử dụng 1 lần, dùng để ngăn chặn hoặc đánh lừa hệ thống sôna chủ động và thụ động của tàu ngầm. MK-4 chủ yếu đối phó với sôna, còn MK-5 thuộc loại mồi bẫy kiểu tự hành. Ngoài ra, Mĩ còn nghiên cứu chế tạo loại mồi bẫy ngư lôi CSA MK-2 có đường kính 6 thước Anh (1,828m) dùng cho tàu ngầm lớp Ohio, Virginia. Mồi bẫy đánh lừa kiểu tự hành được nghiên cứu chế tạo trên cơ sở ADM MK-5 có SAIC, có tốc độ tối đa 15 hải lí/giờ, có thể vận hành trong 45 phút.

            2. Anh

            Tàu mặt nước của Anh chủ yếu được trang bị mồi bẫy ngư lôi kiểu cáp kéo Type 182/G738 Decoy. Sau đó Anh lại tiếp tục nghiên cứu chế tạo mồi bẫy ngư lôi dạng phao nổi dùng cho tàu mặt nước và tàu ngầm. Trong đó, tàu mặt nước sử dụng loại Barracuda, được phóng bằng rốc-két. Ngoài ra, Hải quân Anh còn có mồi bẫy ngư lôi dạng phao nổi SSE Mk-10, SSDS, Bandfish. Trong đó, SSE Mk-10 chủ yếu được trang bị cho tàu ngầm lớp Vanguard.

            3.Ixraen

 Tàu mặt nước của Ixraen sử dụng loại mồi bẫy ngư lôi kiểu cáp kéo ATC-2, bên trong lắp đặt thiết bị phóng, trọng lượng 25kg, sau đó, trên cơ sở cải tiến ATC-2, họ đã nghiên cứu chế tạo loại ATDS. Hải quân Ixraen còn trang bị cho tàu ngầm loại mồi bẫy ngư lôi có hình dáng bên ngoài gần giống ngư lôi, đường kính 100mm, dài 1m, nặng 7,8kg, hoạt động được ở độ sâu 10 - 300m, thời gian vận hành 8 phút. Đây là loại mồi bẫy ngư lôi tự hành tiên tiến, kho dữ liệu vi tính của loại mồi bẫy này bao gồm những nội dung liên quan đến mối đe dọa và nhận biết mối đe dọa, lập trình của kho dữ liệu có thể cung cấp sẵn phương án đối phó để chống lại các loại ngư lôi khác nhau. Ixraen còn kết hợp với Mĩ nghiên cứu chế tạo mồi bẫy ngư lôi tự hành. Trong đó, mồi bẫy ngư lôi tự hành trang bị cho tàu mặt nước có tổ hợp phóng chuyên dụng, hoạt động trong nước được khoảng 10 phút; mồi bẫy ngư lôi tự hành trang bị cho tàu ngầm hoạt động được ở độ sâu 10 - 300m với thời gian khoảng 10 phút.

           4. Đức

Hiện nay Hải quân Đức được trang bị hệ thống CIRCE chống ngư lôi khá tiên tiến. Hệ thống này do Đức và Italia hợp tác chế tạo, được đánh giá là hệ thống chống ngư lôi sát thương mềm tiên tiến nhất thế giới hiện nay, trang bị cho tàu ngầm lớp 200, 212 và 214. Hệ thống này có thể đối phó hiệu quả với loại ngư lôi dẫn đường bằng dây và dẫn đường bằng âm thanh tiên tiến. Khi sôna của tàu ngầm cung cấp thông tin đo đạc và phương vị của ngư lôi, căn cứ vào tín hiệu cảnh báo mối đe dọa, tàu ngầm sẽ phóng mồi bẫy ngư lôi về hướng của mối đe dọa, tạo ra phương thức gây nhiễu tiếng ồn, cách ly sự tiếp xúc giữa ngư lôi và mục tiêu, sau đó lại phóng tiếp một hoặc nhiều mồi bẫy khác, sử dụng tín hiệu hoàn toàn giống với tàu ngầm thật, đánh lừa ngư lôi di chuyển ra xa tàu ngầm. Sau đó, mồi bẫy âm thanh tự hành sẽ chuyển từ chế độ gây nhiễu sang chế độ mồi nhử, nhử ngư lôi rời xa tàu ngầm. Kết hợp với phóng mồi bẫy, tàu ngầm còn lựa chọn giải pháp cơ động tránh né hợp lí để đạt mục đích tránh bị ngư lôi tấn công.

Phương hướng phát triển của mồi bẫy ngư lôi

            Mồi bẫy ngư lôi là thủ đoạn "sát thương mềm" chống ngư lôi khá hoàn thiện hiện nay. Hiện nay và tương lai gần, mồi bẫy ngư lôi vẫn là khí tài chống ngư lôi chủ yếu. Nhưng do ngư lôi đang được nâng cao khả năng chống đánh lừa, vì vậy mồi bẫy ngư lôi trong tương lai cũng cần tiếp tục cải tiến, một số hướng phát triển cụ thể là:

            1.Không ngừng nâng cao trình độ thông minh

            Sau khi bị đánh lừa, có thể ngư lôi sẽ loại bỏ thông tin nhầm lẫn, tiếp tục tìm kiếm mục tiêu thực sự, sau đó phát động tấn công lần thứ hai. Điều này đòi hỏi mồi bẫy ngư lôi phải có giải pháp ứng phó hiệu quả tiếp theo, cụ thể là gắn các phần mềm thông minh kiểu mới, sử dụng các công nghệ thông minh tiên tiến hơn, thực hiện "địch thay đổi đến đâu, ta thay đổi đến đó".

            2. Nâng cao tính cơ động

 Hiện nay, ngư lôi đang phát triển theo hướng gọn nhẹ và tốc độ cao. Vì vậy, mồi bẫy ngư lôi cũng đòi hỏi phải không ngừng nâng cao khả năng cơ động dưới nước. Mồi bẫy kiểu tự hành đã sử dụng loại thuốc phóng mới, mồi bẫy kiểu thả nổi cũng đã sử dụng loại pin mới.

            3. Tăng cường năng lực đánh lừa

Chủ yếu gồm: (1) Tăng cường dải tần đánh lừa. Hiện nay phạm vi dải tần  đánh lừa của mồi bẫy ngư lôi còn hạn chế, trong tương lai sẽ phải phát triển loại dải tần thấp.

(2) Tăng cường tính năng mô phỏng âm thanh phản hồi. Một số ngư lôi dẫn đường bằng âm thanh chủ động đã có thể phân biệt đâu là âm phản hồi từ mục tiêu, đâu là âm thanh của mồi bẫy kiểu cáp kéo, vì vậy mồi bẫy ngư lôi phải nâng cao tính năng mô phỏng âm thanh phản hồi giống âm thanh thật hơn nữa.

(3) Tăng cường tính năng mô phỏng tiếng ồn chuyển động của con tàu. Một số loại ngư lôi sau khi phát hiện được loại mồi bẫy ngư lôi kiểu thả nổi ở trạng thái tĩnh sẽ ngừng bám theo, sau đó tự động điều chỉnh phương hướng, tiếp tục tìm kiếm mục tiêu di động thật sự. Vì vậy mồi bẫy ngư lôi kiểu thả nổi phải tăng cường tính năng mô phỏng tiếng ồn khi di chuyển của tàu chiến, nâng cao hiệu quả đánh lừa./.

Theo Báo Hải quân Việt Nam                         

Khoảnh khắc lính dù Nga bắn hạ UAV 'khủng' của Ukraine

Một lính dù Nga đã tìm được cách dùng súng ngắn bắn hạ thành công một máy bay không người lái (UAV) mang chất nổ của Ukraine.

Video Nga công phá 2 hệ thống tên lửa Mỹ ở tây nam Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố đoạn video quay cảnh quân đội nước này tấn công, phá hủy 2 hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ chế tạo ở vùng Odessa, tây nam Ukraine.

Dàn tên lửa hiện đại của Nga trở thành ‘khắc tinh’ của F-16 ở Ukraine

Dàn tiêm kích F-16 mà các nước NATO hứa chuyển cho Ukraine sẽ bị các tên lửa hiện đại của Nga săn lùng, và tiêu diệt giống như cuộc tấn công đã phá hủy 5 chiếc Su-27 gần đây.

Nga hé lộ phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không tầm ngắn Komar

Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Komar của Nga cung cấp khả năng phòng thủ tầm ngắn cho tàu chiến nhỏ và tàu hỗ trợ có lượng giãn nước lên tới 50 tấn.

Nga lần đầu ra mắt xuồng không người lái tại triển lãm quốc phòng

Nga vừa ra mắt xuồng không người lái “Vizir”, “Orkan”, “BEK-1000” tại Triển lãm Quốc phòng Hàng hải quốc tế FLEET-2024.

Video UAV Nga phóng lưới 'tóm gọn' UAV của Ukraine

Quân đội Nga đã triển khai loại máy bay không người lái (UAV) mang tên Setkomet có khả năng phóng lưới để "bắt" các UAV của Ukraine.

FPV Nga truy đuổi, hạ gục xe tăng Mỹ viện trợ cho Ukraine trong đêm

Một binh sĩ điều khiển máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) của Nga kể lại vụ truy đuổi, tấn công phá hủy xe tăng Abrams do Mỹ viện trợ cho Ukraine vào ban đêm.

Video lữ đoàn biệt kích Ukraine vô hiệu hóa xe tăng ‘mai rùa’ Nga bằng UAV

Chỉ với những chiếc UAV cảm tử, Lữ đoàn biệt kích biệt lập số 71 Ukraine đã khiến xe tăng ‘mai rùa’ của Nga hư hại nặng.

Video Ukraine phóng tên lửa nước ngoài, phá hủy S-400 của Nga ở Donetsk

Quân đội Ukraine đã phóng tên lửa đạn đạo ATACMS, phá hủy hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga ở khu vực Donetsk.

Video HIMARS Ukraine bắn nổ pháo ‘cuồng phong’ Nga

Đòn tấn công của hệ thống HIMARS Ukraine ngay lập tức tạo ra vụ cháy lớn cho pháo BM-27 Uragan Nga, trước khi vụ nổ thứ cấp phá hủy khí tài này.

Đang cập nhật dữ liệu !