Thực trạng quan hệ Nga - Mỹ đang ở điểm thấp nhất
RIA hôm 12/7 trích dẫn lời của phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ vẫn ở điểm thấp nhất, thực trạng đang ở mức tồi tệ.
Theo đó, tuyên bố trên được ông Peskov nói trên kênh truyền hình Russia-1: “Quan hệ của chúng tôi vẫn như trước, ở điểm gần như thấp nhất, thực trạng tồi tệ cả về mặt song phương và có lẽ cả trên bình diện trách nhiệm của hai nước đối với những vấn đề đa phương, chủ yếu là về vấn đề kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược”.
Ông Peskov cho biết thêm, ở cấp độ chuyên gia có “những liên hệ rụt rè”, nhưng không làm xích gần tới sự thấu hiểu về trách nhiệm của các nước trong khía cạnh bảo lưu các văn kiện đang còn hiệu lực, có khả năng đảm bảo kiểm soát vũ khí trên quy mô toàn cầu.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. (Ảnh: RIA) |
“Nga - Mỹ chính là hai nước sở hữu những kho vũ khí hạt nhân lớn nhất. Chỉ hai nước chúng ta, chứ không có nước nào trong số các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc mà người Mỹ đang cố gắng lôi kéo tham gia cuộc đàm phán này. Về quy mô kho vũ khí, Trung Quốc không thể sánh với Mỹ hoặc với Nga”, ông Peskov nhấn mạnh.
Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó, vẫn là thoả thuận duy nhất giữa Nga và Mỹ hiện có hiệu lực về hạn chế vũ khí. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.
Trước đó, các cuộc đàm phán của Mỹ-Nga về kiểm soát vũ khí hạt nhân đã bắt đầu tại Vienna vào hôm 22/6. Trong khi đó các nhà ngoại giao và chuyên gia cảnh báo, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thuyết phục Trung Quốc tham gia cuộc đối thoại này có thể là trở ngại cho việc mở rộng START-3 và làm tăng tốc cuộc chạy đua vũ trang.
Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga hiện vượt trội so với của Trung Quốc, nhưng việc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương khiến các đồng minh của Mỹ và các nhà hoạch định chính sách tại Nhà Trắng lo ngại.
Hiệp ước START mới quy định Mỹ và Nga phải cắt giảm 50% số đầu đạn hạt nhân chiến lược, hạn chế mỗi bên chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa gồm tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm và từ máy bay ném bom hạng nặng.
Những hình ảnh chân thực về thế giới đầy biến động tuần qua
Làn sóng Covid-19 thứ 2 mạnh chưa từng có, Mỹ, Brazil, Ấn Độ tiếp tục là tâm điểm của đại dịch.
Thanh Bình (lược dịch)