Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ chức, khủng hoảng chính trị thêm trầm trọng
Quyết định từ chức của Thủ tướng Ahmet Davutoglu trước thềm cuộc bầu cử toàn quốc dường như đã đánh dấu quá trình đưa nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một chế độ chuyên quyền và ảnh hưởng của Quốc hội bị giảm bớt, qua đó quyền lực của Tổng thống Erdogan được củng cố.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa) và cựu Thủ tướng Ahmet Davutoglu (phải). |
Ông Erdogan gần đây đã có những chính sách cứng rắn đối với các nhóm chống đối, bao gồm khởi tố các nhà báo và một số người dân với tội danh “lăng mạ” ông. Theo một số nguồn tin, ông Davutoglu tỏ ra không ủng hộ những động thái trên, do đó mâu thuẫn giữa ông và ông Erdogan ngày càng gia tăng.
“Tôi quyết định từ chức Thủ tướng”, ông Davutoglu phát biểu sau khi gặp mặt các lãnh đạo của Đảng Công lý và Phát triển (AKP), đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2002 đến nay. “Tôi không có ý định trở thành một ứng cử viên trong cuộc bầu cử toàn quốc sắp tới”. Theo các hãng thông tấn địa phương, Quốc hội sẽ nhóm họp để thay thế ông Davutoglu vào ngày 22/5 tới.
Bên cạnh tình trạng hỗn loạn chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với nhiều vấn đề khác, bao gồm cuộc xung đột với người Kurd ở phía Đông Nam đất nước, các vụ khủng bố do phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cùng những tranh cãi giữa nước này và Liên minh Châu Âu (EU) về khủng hoảng di dân. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Trong thời gian nhậm chức, ông Davutoglu đã thực hiện các cuộc hội đàm với nguyên thủ các nước EU nhằm đi đến thỏa thuận rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận những người tị nạn để cho phép người dân Thổ Nhĩ Kỳ được tự do đi lại ở châu Âu. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhận thấy rằng ông Davutoglu có tinh thần hợp tác hơn ông Erdogan cứng nhắc.
Tuy nhiên, quan hệ giữa ông Davutoglu và Erdogan đã ngày càng trở nên căng thẳng. Hai chính trị gia tỏ ra bất đồng đối với những chính sách kinh tế của đất nước, cũng như quá trình bắt giữ chờ xét xử đối với những người chống đối.
Tuần trước, đảng AKP đã tước quyền bổ nhiệm các quan chức cấp tỉnh của ông Davutoglu. Sau khi tuyên bố từ chức, ông gọi động thái trên là một trong những nguyên nhân ông đưa ra quyết định của mình và nói “đó không phải là cách hành xử mà tôi mong đợi từ các đồng nghiệp”.
Ông Davutoglu cho biết ông vẫn sẽ trung thành với Tổng thống Erdogan và sẽ đảm nhiệm một chức vụ trong đảng AKP. “Mọi người sẽ không bao giờ nghe thấy tôi nói một lời xấu nào đối với Tổng thống”, ông phát biểu và đồng thời gọi tình trạng mâu thuẫn trong chính phủ chỉ là “những lời đồn đoán”.
Nhưng nhiều người đã coi việc ông Davutoglu từ chức là một dấu hiệu không tốt đối với tình hình chính trị Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh việc loại bỏ Thủ tướng, ông Erdogan cũng đề xuất một dự thảo luật cho phép tước quyền miễn bị khởi tố của một số thành viên trong Quốc hội.
Trước đó, ông Erdogan đã yêu cầu bắt giam các thành viên của Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) do những cáo buộc rằng đảng này có liên quan đến Đảng Lao động người Kurd (PKK), tổ chức vũ trang đã giao tranh với Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Đảng HDP cảnh báo rằng việc bắt giữ bừa bãi các đại biểu quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực nhằm giải quyết xung đột giữa chính phủ và người Kurd.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Washington Post, nhật báo lớn nhất và là lâu đời nhất tại Washington D.C, Mỹ. Bên cạnh những tờ báo lớn khác như The New York Times, The Wall Street Journal và Los Angeles Times, The Washington Post thường đăng tải các phóng sự về Nhà Trắng, Quốc hội và những khía cạnh khác của chính phủ Mỹ.