Thủ tướng Thái Lan đối mặt bỏ phiếu bất tín nhiệm
Nhưng theo hãng tin AFP, các động thái này có vẻ như không có mấy cơ hội được thông qua do đảng của bà Yingluck và các đảng liên minh chiếm đa số ghế trong quốc hội.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra vào ngày 28/11. |
"Thủ tướng đã không điều hành đất nước như đã hứa. Bà đã để tình trạng tham nhũng xảy ra”, nghị sĩ đảng đối lập Dân chủ Jurin Laksanavisit phát biểu khi cuộc tranh luận bỏ phiếu bất tín nhiệm bắt đầu và dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày.
“Bà cũng cho phép người bên ngoài được gây ảnh hưởng và kiểm soát hoạt động điều hành của bà”, ông Laksanavisit nói tiếp, ám chỉ tới anh trai của bà Yingluck, cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.
Bà Yingluck bị lực lượng đối lập buộc tội làm “con rối” cho người anh đang lưu vong của bà. Phát biểu trước giới phóng viên bà tuyên bố cảm thấy “tự tin” rằng chính phủ của bà sẽ chống chọi được khó khăn này.Liên minh gồm 6 đảng của bà hiện đang chiếm 3/5 số ghế trong hạ viện.
Cuộc tranh luận về bỏ phiếu bất tín nhiệm – dự kiến cuộc bỏ phiếu quyết định sẽ được tiến hành vào ngày 28/11 – diễn ra chỉ 1 ngày sau khi cảnh sát chống bạo động xô xát với người biểu tình ở thủ đô Bangkok.
Cảnh sát Thái Lan đã phải bắn đạn hơi cay và tiến hành 138 vụ bắt giữ sau khi một nhóm người biểu tình dùng xe tải để phá hàng rào quanh khu vực biểu tình.
Tuy nhiên, con số 20.000 người tham gia biểu tình thấp hơn rất nhiều so với mong đợi của các nhà tổ chức cuộc biểu tình, nhóm cực đoan Pitak Siam. Đến tối ngày 24/11, nhóm này đành phải kêu gọi ngừng biểu tình.
Hôm qua, cảnh sát Thái Lan tuyên bố đã thả tự do 137 người biểu tình bị bắt giữ và những người này không bị cáo buộc tội danh gì. Chỉ có một người đàn ông, người đã lái chiếc xe tải húc vào hàng rào chắn, đã bị buộc tội vi phạm luận an ninh đặc biệt mà chính phủ đã phải cầu viện đến để đối phó với cuộc biểu tình này.
Trong những năm gần đây, chính trường Thái Lan vốn đã rối loạn rung chuyển bởi một loạt các cuộc biểu tình đường phố đầu bạo lực.
Năm 2010, các cuộc biểu tình qui mô rộng kéo dài 2 tháng chống lại chính phủ trước do những người “Áo đỏ” ủng hộ ông Thaksin đã khiến quân đội nước này phải tiến hành đàn áp và khiến 90 người thiệt mạng và gần 1.900 người bị thương.
Ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính của các tướng lĩnh theo tư tưởng cực đoan vào năm 2006 và ông đang phải sống lưu vọng để tranh bị giam giữ sau khi ông bị xử án vắng mặt vì tội tham nhũng. Ông Thaksin cáo buộc bản án này mang động cơ chính trị.