Thủ tướng Nga thăm quần đảo Kuril, Nhật Bản phản đối gay gắt
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev |
Tờ Thương nhân (Nga) đưa tin, ngày 22/8, Thủ tướng nước này Dmitry Medvedev đã có chuyến công du tới quần đảo Kuril do Moscow kiểm soát, song Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền đối với 4 hòn đảo thuộc quần đảo này (Nhật gọi đây là Vùng lãnh thổ phương Bắc).
Tờ báo cho biết Thủ tướng Medvedev dự kiến sẽ tham dự Diễn đàn Giáo dục Thanh niên Quốc gia diễn ra trên đảo Iturup (một đảo thuộc quần đảo Kuril) và tới thăm một số công trường xây dựng nằm trong chương trình phát triển quần đảo Kuril được hoạch định tới năm 2025.
Cùng ngày, Nhật Bản đã lên tiếng phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới quần đảo tranh chấp Nam Kuril.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nhật Bản tuyên bố chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đến quần đảo Kuril sẽ là trở ngại lớn cho sự phát triển đối thoại chính trị giữa 2 quốc gia.
Theo tờ Kyodo (Nhật Bản), Bộ Ngoại giao nước này sẽ thông qua các kênh ngoại giao để phản đối hành động này của phía Nga và "dọa" sẽ hủy chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida đã được lên kế hoạch vào cuối tháng Tám này.
Vụ trưởng Vụ châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Hajime Hayashi đã điện đàm với Đại sứ Nga tại Tokyo liên quan đến chuyến đi nói trên của ông Medvedev.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản dẫn lời ông Hayashi cho biết chuyến thăm của ông Medvedev tới quần đảo Kuril là “trái với quan điểm của Nhật Bản và đi ngược với chính sách của chính phủ Nhật Bản đối với các vùng lãnh thổ phương Bắc, và ngoài ra nó sẽ làm tổn thương tâm hồn của người dân Nhật Bản. Đây là hành động không thể chấp nhận được”.
Hồi tháng 11/2010, ông Medvedev trở thành lãnh đạo Nga đầu tiên thăm quần đảo Kuril. Khi đó, ông đang giữ chức Tổng thống Nga. Ông Medvedev đã thăm các công trình xây dựng, nói chuyện với cư dân và thị sát một nhà máy thủy điện. Tháng 7/2012, ông Medvedev một lần nữa bay đến đảo Kunashir ở phía nam quần đảo Kuril.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, toàn bộ quần đảo Kuril được sáp nhập vào Liên Xô, tuy nhiên Nhật Bản vẫn tiếp tục tranh giành bốn hòn đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai thuộc Nam Kuril, viện dẫn Thỏa thuận song phương về thương mại và biên giới ký năm 1855 giữa hai nước. Tokyo yêu cầu trả lại của các đảo trên như một điều kiện để ký kết một hiệp ước hòa bình với Nga, Hiệp ước mà sau Thế chiến II vẫn chưa được ký kết.
Lập trường của Moscow là quần đảo Nam Kuril đã trở thành một phần của Liên Xô sau Thế chiến II và chủ quyền của Nga đối với quần đảo này là hợp pháp, có đăng ký pháp lý quốc tế đầy đủ.