Thủ tướng Merkel sẽ bại trận trong cuộc tái tranh cử?
Trả lời phỏng vấn trên tờ RIA Novosti của Nga, người đồng sáng lập và là một trong ba chủ tịch của phong trào PEGIDA của Đức, ông Lutz Bachmann nhận định rằng đương kim Thủ tướng Đức sẽ thua trong cuộc bầu cử vào năm 2017 nếu không thay đổi chính sách của mình.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Trước đó bà Merkel tuyên bố rằng bà có kế hoạch tranh cử trong cuộc bầu cử Thủ tướng Đức vào năm 2017. Chức vụ Thủ tướng ở Đức được lựa chọn bởi các đại biểu dựa trên kết quả bầu cử quốc hội: Đảng nào giành được đa số phiếu bầu hoặc liên minh các đảng phái chính trị sẽ được đề xuất ứng cử viên của mình.
Ông Bachmann cho biết: "Bà ấy đang theo đuổi đường lối của mình một cách đầy tự kiêu mà không quan tâm đến cả những người ủng hộ từ đảng của mình. Một mặt điều đó thể hiện sức mạnh, mặt khác nó là sự ngu dốt. Tôi không thể tin rằng bà Merkel sẽ tiếp tục tại vị nếu bà ấy vẫn tiếp tục phương thức chính trị của mình".
Thêm vào đó, ông này cũng bày tỏ lo ngại rằng trong năm tới có thể chính quyền sẽ được dẫn dắt bởi liên minh của những người cánh hữu, đảng Dân chủ xã hội và đảng Xanh dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Sigmar Gabriel hoặc Martin Schulz.
Ông cảnh báo: "Liên minh này sẽ tồi tệ hơn cả bà Merkel. Nhưng điều đó có thể là việc cần thiết để thức tỉnh mọi người. Và có lẽ còn cần cho sự đe dọa vũ lực thêm nữa với Nga, để cho gần như tất cả mọi người chỉ dám ở trong nhà và lo sợ ngày mai sẽ có chiến tranh".
Nhân vấn đề này, ông bày tỏ hy vọng Tổng thống đắc cử Donald Trump của Hoa Kỳ sẽ có chính sách mới.
Ông Bachmann nhận định: "Nếu không có Mỹ thì các vị chức sắc có vấn đề thần kinh đang ngồi ở Brussels sẽ không dám làm gì điên rồ để tạo mối quan hệ với Nga. Tất cả đều chế giễu ông Trump, nhưng xã hội cần những người như ông ấy để bảo vệ các giá trị truyền thống. Ở Đức, những nhu cầu như thế của xã hội ngày càng mạnh hơn..".
PEGIDA là phong trào cực hữu mang tên "Người châu Âu yêu nước phản đối Hồi giáo hóa phương Tây". Các cuộc tuần hành do phong trào PEGIDA tổ chức bắt đầu từ mùa Đông năm 2014 ở miền Đông nước Đức và sau đó lan sang một số thành phố khác của châu Âu.
Tổ chức này luôn chỉ trích đạo Hồi, bài xích người người tị nạn, đồng thời cáo buộc chính giới Đức làm phai mờ nền văn hóa có nền tảng Cơ đốc giáo của Đức bằng chính sách đa văn hóa. Phong trào cực đoan này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận xã hội và chính phủ nhiều nước, nên số người ủng hộ đã giảm dần.