“Thu phí mà vẫn ùn tắc, Bộ trưởng có trả lại tiền?”
“Thu phí mà vẫn ùn tắc, Bộ trưởng có trả lại tiền?”
Tại buổi đối thoại trực tuyến Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng với nhân dân chiều 12/11, nhiều ý kiến “chất vấn” xoay quanh vấn đề thu phí lưu hành phương tiện.
Trả lời thắc mắc của người dân trong việc: nếu thu phí mà tình trạng ùn tắc giao thông không đẩy lùi thì Bộ GTVT có trả lại tiền người dân? Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng việc giảm ùn tắc giao thông phải được tiến hành đồng bộ, cả giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó có giải pháp kinh tế là thu phí phương tiện cá nhân.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định tính pháp lý trong việc thu phí lưu hành phương tiện đã có đầy đủ. Đây không phải sáng kiến mới mẻ, đây là chủ trương từ Chính phủ giao cho Bộ GTVT thực hiện, chứ không phải quy trình ngược.
Tuy nhiên theo người đứng đầu ngành GTVT, việc thu phí không phải chỉ với mục đích giảm ùn tắc, mà còn tạo ra khoản phí, để nâng cấp hạ tầng giao thông.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ảnh LD |
“Người sử dụng đường thì phải nộp phí để thể hiện ý thức trách nhiệm của mình. Nếu người sử dụng ô tô kêu ca việc nộp thuế, Vậy tôi xin hỏi người ở hải đảo, người dân tộc vùng sâu vùng xa có sử dụng gì đâu nhưng vẫn phải nộp thuế. Người làm ơn sẽ chẳng bao giờ mong muốn sẽ được trả ơn. Sự hi sinh của người nông dân, hay cán bộ chiến sỹ hải đảo thì họ có kể ơn bao giờ đâu” – Bộ Trưởng Thăng chia sẻ.
Vị “Tổng tư lệnh” ngành GTVT cũng nhấn mạnh rằng, nếu giảm thiểu ùn tắc giao thông thì toàn dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể giảm chứ không thể hết được ùn tắc giao thông. Thực tế ở các nước phát triển mạnh như Nhật Bản, Mỹ, Anh… cũng không thể hết được tắc đường.
Người đứng đầu ngành GTVT nói, giải pháp thu phí này đã được xây dựng trên cơ sở tính toán kỹ càng, tỷ mỷ. Đề án thu phí này không cào bằng, mà từ thực tiễn nhu cầu đi lại, thu nhập và tham khảo ý kiến người dân.
Cụ thể mức lưu hành xe máy dưới 175 phân khối, người đi lại nộp 500 nghìn đồng/năm, mỗi tháng khoảng 46 nghìn. Số tiền này tương đương khoảng 2 lít xăng, người dùng có thể chịu được.
Đối với ô tô cũng được phân ra nhiều mức khác nhau, mức thấp nhất 20 triệu đồng (gần 2 triệu đồng/ tháng), cao nhất 50 triệu đồng (4 triệu đồng/ tháng) như thế là phù hợp trong bối cảnh thực tế hiện nay. Việc phân chia đối tượng để thu phí với nhiều mức độ khác nhau sẽ phù hợp với từng đối tượng.
Nguyễn Dũng