Thủ phạm khiến hàng trăm ngàn người nhập viện mỗi năm
Nước bẩn khiến hàng triệu người mắc bệnh |
6 triệu người mắc các bệnh do thiếu nước sạch
Lo ngại về vấn đề nước sạch sinh hoạt, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại VN cho biết: Mỗi năm trên toàn cầu có 4 tỷ ca mắc bệnh tiêu chảy và 1,5 triệu ca tử vong do bệnh tiêu chảy vì nước không an toàn, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân kém.
Hầu hết tử vong do tiêu chảy đều bắt nguồn từ việc sử dụng nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Gần 1/10 gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới có thể ngăn ngừa được bằng cách cải thiện cấp nước sạch và quản lý nguồn nước.
Tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dựa trên báo cáo của WHO/Unicef cho thấy mỗi năm có khoảng 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp phải nhập viện. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy thiếu nước sạch hàng năm gây ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam. Thống kê trong 4 năm qua cho thấy có tới 6 triệu các trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch, ước tính chi phí mất đi là khoảng 20 triệu đô la Mỹ.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thẳng thắn cho rằng, chất lượng nước tại nhiều nơi vẫn chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nhất là nước cấp từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, trạm cấp nước tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có công nghệ xử lý còn lạc hậu, hệ thống đường ống chưa đảm bảo và có tỷ lệ thất thoát nước cao.
“Công tác tự kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm chất lượng nước của các cơ sở cung cấp nước sạch và công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước một số tỉnh, thành phố chưa được thực hiện đầy đủ theo các quy định hiện hành. Một số địa phương thì chưa giám sát được chất lượng nước khu vực nôn thôn” – Thứ trưởng Long bày tỏ.
Hà Nội nhiều mẫu nước nhiễm asen
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng chúng ta chưa có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các bộ liên quan với nhau trong vấn đề cung cấp và quản lý nước sạch dẫn đến kiểm tra, thanh tra còn nhiều chồng chéo, trùng lặp.
Tại nhiều đô thị, hệ thống đường ống nước sạch cũ nát, mặc dù được tu bổ qua nhiều thời kỳ nhưng vẫn không đảm bảo theo yêu cầu trong khi đó, nhiều nguồn nước sạch bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra của các ngành còn khác nhau dẫn đến các nhận định còn khác nhau về chất lượng của cùng một nguồn nước.
Minh họa thêm điều này, TS Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Quản lý Môi trường Y tế ( Bộ Y tế) cho biết, trong quá trình kiểm tra giám sát Cục này phát hiện thấy một số chỉ tiêu không đạt thường gặp như nhiễm vi sinh ( E.coli, coliform); chất hữu cơ; nitrit, nitrat, manga, sắt.
Đáng ngại là, một số trạm cấp nước quy mô nhỏ sử dụng nước ngầm của một số tỉnh, thành như Hà Nội, Hà Nam có chỉ tiêu asen không đạt tiêu chuẩn cho phép do khả năng xử lý asen trong nguồn nước ngầm chưa đảm bảo.
TS Hương dẫn chứng thêm, Bộ Y tế đã lấy tổng cộng 442 mẫu nước tại 2 thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra (trong đó ở Hà Nội 196 mẫu, TP Hồ Chí Minh 246 mẫu). Kết quả cho thấy tại một số trạm cấp nước quy mô nhỏ như Trạm cấp nước Mỹ Đình II, Khu đô thị Nam Đô ở TP Hà Nội và một số trạm cấp nước ở ngoại thành, cơ sở cấp nước quy mô nhỏ hộ gia đình ở TP HCM có một số chỉ tiêu chưa đạt theo quy định như Clo dư, PH, độ đục, mangan, amoni, nitric, asen, coliform.
“Riêng tại Hà Nội, còn có các mẫu nước nhiễm asen tại trạm cấp nước Mỹ Đình II, nước tại các bể chứa, bể mái khu đô thị Nam Đô có hàm lượng dư clo thấp hơn tiêu chuẩn cho phép đồng thời nhiễm E. Coli, coliform… và các hợp chất nitơ như amoni và nitrit” – TS Hương e ngại cho biết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Xử lý nước rất khó khăn, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Nhưng chúng ta vẫn cần phải đảm bảo được 109 chỉ tiêu chất lượng nước sạch hiện hành. Vì thế, các ngành các cấp cần phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo chất lượng nước sạch.