Thủ đô Iran chìm trong “khói độc”
Thủ đô Tehran chìm trong bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng |
Bộ trưởng Y tế Iran - Marzieh Vahid Dastjerdi cho biết trong những ngày gần đây, số người nhập viện với những triệu chứng như đau đầu, khó thở, buồn nôn đã tăng 15%. Tờ Arman trích lời bà Vahid Dastjerdi khẳng định: “Tốt hơn hết là người dân tại thủ đô Tehran nên đi khỏi thành phố trong thời gian này”.
Thủ phạm chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí tại Tehran chính từ các phương tiện giao thông – mối đe dọa sức khỏe bấy lâu nay với 8 triệu cư dân thủ đô. Hàng năm, tháng 12 được xem là đỉnh điểm của tình trạng không khí ô nhiễm – thời điểm thời tiết mùa thu tạo ra những lớp khói sương bao phủ thành phố cùng với địa hình núi bao quanh, tạo thành một cái phễu bao quanh khu vực nội đô. Theo ý kiến người dân, tình trạng không khí ô nhiễm trong năm nay được đánh giá là tồi tệ nhất.
Theo chính quyền thành phố, tình trạng ô nhiễm vẫn sẽ kéo dài tới 2 ngày nghỉ cuối tuần này, đồng thời yêu cầu các trường học, đại học và cơ quan chính phủ đóng cửa trong 2 ngày 4 - 5/12 do tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Thậm chí, hãng tin Fars cho biết cuộc họp nội các chính phủ Iran thường xuyên được tổ chức tại thủ đô Tehran cũng buộc phải hủy bỏ do ô nhiễm.
“Mặc dù chính quyền thành phố đã cho triển khai hàng loạt nỗ lực nhằm giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông, song bầu không khí của Tehran vẫn đạt ngưỡng nguy hiểm và trong 24 giờ qua, lượng khí thải ô nhiễm vẫn tiếp tục tăng”, Youssef Rashidi – trưởng ban giám sát không khí thành phố Tehran chia sẻ trên hãng tin ILNA hôm 5/12.
Chính tình trạng ô nhiễm không khí đang cản trở tới mọi hoạt động sinh hoạt của người dân và cả nền kinh tế. Theo nhà lập pháp - Mohammed Reza Tabesh, tình trạng không khí ô nhiễm trong mỗi ngày nghỉ tại 5 thành phố lớn gồm Tehran, Mashhad, Isfahan, Arak và Karaj sẽ làm thất thoát khoảng 275 triệu USD đối với nền kinh tế Iran.
Nhằm ngăn chặn tình trạng gia tăng lượng không khí ô nhiễm tại Tehran, các quan chức thành phố đã khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm hay xe bus song tình hình vẫn không mấy được cải thiện do lượng ô tô trong đó phần lớn đã quá cũ nát đạt số lượng lớn chưa từng có.
Ngoài ra, việc phương Tây thực thi lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu nhiên liệu của Iran đã buộc quốc gia Hồi giáo chỉ có thể sử dụng chính nguồn xăng dầu được sản xuất trong nước với chất lượng thấp hơn - nguyên nhân khiến nạn ô nhiễm không khí hoành hành tại Iran hơn bất cứ quốc gia nào khác.
Giới chuyên gia khí tượng Iran hy vọng tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Tehran sẽ phần nào được cải thiện từ ngày hôm nay (6/12) nhờ những cơn mưa.