Thông qua TPP: Bước đi vội vàng của Nhật sau khi Donald Trump thắng cử
Sau khi được Hạ viện chấp thuận, TPP sẽ tự động có hiệu lực sau 30 ngày, kể cả nếu Thượng viện không bỏ phiếu thông qua. Thượng viện Nhật Bản dự kiến có phiên họp toàn thể vào ngày hôm nay (11/11).
Ông Donald Trump, người mới đắc cử Tổng thống Mỹ. |
Việc TPP được Hạ viện thông qua là kết quả làm việc của liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe. Hai đảng này đã nỗ lực hành động để TPP được thông qua trong phiên họp của Hạ viện hôm 10/11. Ông Abe đặt mục tiêu Nhật Bản sẽ là nước đầu tiên trong số 12 nước phê chuẩn hiệp định này.
Các đảng đối lập là đảng Dân Tiến và Cộng sản liên tục phản đối TPP, nhưng do hai đảng liên minh cầm quyền là đảng Tự do dân chủ (LDP) và đảng Công minh (Komeito) chiếm đa số nên TPP đã được thông qua. Chính phủ Nhật Bản hy vọng, TPP sẽ chính thức được ký thành luật vào ngày 30/11 sắp tới.
Các nghị sĩ đảng LDP cho hay, Nhật Bản muốn gửi thông điệp đến Mỹ thông qua việc phê chuẩn TPP. Tuy nhiên, tương lai của hiệp định này tại Washington đang ảm đạm do trong suốt chiến dịch tranh cử, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump luôn phản đối TPP.
Khi phát biểu tranh cử tại thị trấn phía Nam thành phố Pittsburgh - nơi có ngành công nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi toàn cầu hóa, hồi tháng Bảy, ông Trump tuyên bố sẽ "xé tan" các hiệp định thương mại, bao gồm Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) một khi lên làm Tổng thống Mỹ.
TPP là hiệp định tự do thương mại với sự tham gia của 12 nước gồm Mỹ, Canada, Australia, Malaysia, Mexico, Việt Nam, Singapore, Peru, New Zealand, Chile và Brunei. TPP được xem là một trụ cột trong chính sách “xoay trục châu Á” của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama.