Thông điệp Liên bang Mỹ sẽ có gì mới?
Tổng thống Mỹ Obama sẽ đọc thông điêp cuối cùng ngày 12/1 |
Trong một đoạn video ngắn mới được Nhà Trắng đăng tải ngày 6/1, Tổng thống Mỹ B.Obama cho biết bản Thông điệp Liên bang Mỹ 2015 sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến tương lai nước Mỹ.
“Trong bản thông điệp của mình, tôi muốn nhấn mạnh đến các thành tựu Mỹ đã đạt được thời gian qua, về những quyết định đã thông qua và cả về những vấn đề mà Mỹ cần phải tập trung trong vòng một vài năm tới - những vấn đề quan trọng nhất để có thể đảm bảo một nước Mỹ hùng mạnh và phồn vinh cho con cháu chúng ta”- ông Obama nhấn mạnh. Theo Obama, hiện tại ông đang tiếp tục hoàn thiện bản thông điệp này.
Theo người phụ trách mảng nhân sự Nhà Trắng Dennis McDonough, ngoài những vấn đề trên, ông Obama trong Thông điệp Liên bang cuối cùng của mình cũng sẽ đề cập đến thỏa thuận đã đạt được với Quốc hội Mỹ về ngân sách liên bang, thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran, các vấn đề biến đổi khí hậu, gia tăng lượng khai thác dầu ở Mỹ cũng như các vấn đề về tội phạm.
Trước đó, Nhà Trắng cho biết, ông Obama cam kết nội dung trong bản thông điệp cuối cùng trên cương vị Tổng thống sẽ khác so với truyền thống trong các bản thông điệp trước đó. Thay vì “liệt kê các đề xuất liên quan đến chính sách”, thông điệp sẽ là “cuộc thảo luận rộng rãi” các vấn đề nước Mỹ sẽ phải giải quyết.
Theo Dennis McDonough, ông Obama sẽ bày tỏ sự ủng hộ đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định vẫn cần có sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ để có hiệu lực, ủng hộ các biện pháp bổ sung để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như tăng cường kiểm soát vũ khí ở Mỹ.
Theo quy luật, các tổng thống Mỹ thường sử dụng Thông điệp liên bang hàng năm để bày tỏ quan điểm đối với tình hình đất nước, đưa ra các phương hướng ưu tiên trong chính sách đối nội và đối ngoại của mình. Theo truyền thống, phần lớn thông điệp sẽ đề cập đến các vấn đề kinh tế.
Tổng thống Mỹ thường đọc Thông điệp Liên bang trong một phiên họp của các hai viện (Thượng viện và Hạ viện) của Quốc hội Mỹ với sự có mặt của Chánh án Tòa án Tối cao, các thành viên trong Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và các thành viên chính phủ. Việc đọc thông điệp thường kéo dài không quá 1h đồng hồ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga được tái thiết từ hãng tin Itar-TASS cũ. Đây là một trong những hãng thông tấn lớn nhất của Nga, có bề dày 100 năm lịch sử. Hãng này liên kết với hơn 80 hãng thông tấn nước ngoài khác và là một trong những hãng thông tấn uy tín trên thế giới.