Thời báo Hoàn Cầu: "Philippines nên bỏ Mỹ để thân với Trung Quốc"
Tàu tuần duyên được Mỹ tặng lại Philippines |
Mới đây, Manila đã tuyên bố tăng chi tiêu quân sự và mở rộng liên hệ với quân đội nước ngoài đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản tới các căn cứ và cảng quân sự cùng nhiều cơ sở khác.
Theo một nhà nghiên cứu của Đại học Thượng Hải (Trung Quốc), Philippines đang thực thi chiến lược bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông bằng cách tham gia sâu hơn vào hệ thống đồng minh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương do Mỹ đứng đầu.
"Hiện tại, chúng tôi không thể một mình chống đỡ. Chúng tôi cần gây dựng các mối liên hệ đồng minh. Nếu không làm như vậy, những thế lực lớn hơn sẽ bắt nạt chúng tôi và hiện tượng này đang xảy ra", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines - Voltaire Gazmin nói.
Chưa rõ liệu Philippines có tán thành việc gây dựng mối quan hệ đồng minh chính thức với Nhật Bản sau những tranh chấp trên vùng Biển Đông song rõ ràng Philippines sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh hải thậm chí sử dụng cả biện pháp quân sự.
Điều cấp bách với Mỹ - đồng minh thân cận lâu nay của Manila là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Philippines đặc biệt đối với khu vực đất liền. Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cần đã đặt ra câu hỏi liệu Philippines sẽ nhận được sự giúp đỡ như thế nào từ Mỹ. Tất cả những lý luận trên chỉ được xem là suy nghĩ một chiều của Philippines khi cho rằng Washington sẽ luôn ở bên và giúp đỡ Manila.
Mặc dù lâu nay, Mỹ khuyến khích Philippines tỏ thái độ cứng rắn hơn trong vấn đề chủ quyền trên Biển Dông, song Mỹ chưa bao giờ chính thức tuyên bố sẽ "sát cánh" cùng Philippines để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Đại sứ Mỹ tại Philippines - Harry K. Thomas từng nhấn mạnh: "Chúng ta là đồng minh (Mỹ - Philippines). Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau trong tất cả những vấn đề liên quan tới Biển Đông".
Một số phương tiện truyền thông Philippines cũng cho rằng: "Cuối cùng, Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ với chính phủ trong vấn đề tranh chấp với Trung Quốc trên các vùng biển thuộc chủ quyền Philippines".
Tuy nhiên, đại sứ Thomas lại có những tuyên bố không nhất quán như: "Chúng tôi không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ vì tất cả đều là đối tác của nhau. Washington sẽ vẫn duy trì quan điểm trung lập xung quanh chủ đề quần đảo Trường Sa".
Bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy Mỹ "sẵn sàng" giúp đỡ Philippines là việc Washington tặng 2 tàu tuần duyên đã dỡ bỏ đại bác về nghỉ hưu cho Manila, và không được dùng cho mục đích chống lại Trung Quốc.
Một số người cho rằng từ trước tới nay, Mỹ đã không làm gì để bảo vệ Philippines ngoại trừ việc thể hiện quan điểm quân sự với Trung Quốc thông qua hành động quân sự hóa trên Biển Đông.
Theo chiến lược và suy nghĩ của Mỹ trước các kịch bản khu vực và toàn cầu, Trung Quốc vẫn luôn giữ vị trí quan trọng hơn Philippines. Việc Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau chỉ là sự tưởng tượng của cộng đồng quốc tế.
Dưới góc nhìn của Washington, thay vì gây hấn với Mỹ, Trung Quốc hiện đang cố gắng hợp tác với Mỹ nhiều nhất có thể trong khuôn khổ mối quan hệ của các cường quốc chủ chốt.
Những chính sách và hành động mà Mỹ đang thi hành đều phục vụ tối đa lợi ích của Mỹ. Rõ ràng, rất ít bằng chứng cho thấy Mỹ sẵn sàng tham chiến bất chấp mối quan hệ "đồng minh".
Trong thời điểm hiện tại, không một quốc gia nào có thể giành thắng lợi chỉ nhờ lừa gạt hay dựa dẫm hoàn toàn vào quốc gia khác. Do đó, các nước sẽ hợp tác với nhau khi cùng đối mặt với những mối đe dọa hay liên quan tới lợi ích chung.
Hiện nay, khi các quốc gia đang phải đối mặt với những mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng lớn mạnh như dịch bệnh truyền nhiễm, thảm họa tự nhiên, khủng bố quốc tế hoặc tội phạm xuyên quốc gia, việc các đồng minh đánh nhau là điều dường như không thể xảy ra.
Do đó, nếu Philippines nỗ lực hợp tác và đàm phán song phương với Trung Quốc, hai quốc gia sẽ dễ dàng thúc đẩy lợi ích đôi bên và tìm ra giải pháp hòa bình thích hợp để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thay vì đối đầu nhau, tờ Thời báo Hoàn Cầu viết.