Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400: Một "đòn giáng mạnh" vào hình ảnh của Hoa Kỳ
Hệ thống tên lửa phòng không S400 của Nga |
Hãng Bloomberg dẫn nguồn tin riêng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang nghiên cứu yêu cầu của Mỹhoãn việc mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga cho đến năm 2020.
Trước đó, tờ báo Bild của Đức trích dẫn các nguồn tin ngoại giao ở Ankara tiết lộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từ chối mua vũ khí Nga (hệ thống phòng không S-400) do đồng lira của nước này rớt giá và mối đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ nếu nước này cố tình mua S-400 của Nga.
Người đứng đầu bộ phận truyền thông của văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Fahrettin Altun phủ nhận thông tin của tờ báo Đức và nói rằng “quá trình đàm phán mua hệ thống phòng không S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã hoàn tất”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định không có sự trì hoãn nào trong việc chuyển giao các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, vấn đề vốn đang gây căng thẳng trong quan hệ giữa Ankara và Washington.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu |
Trả lời phỏng vấn báo giới tại Thủ đô Ankara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định Ankara không đưa ra tuyên bố nào về việc trì hoãn hoạt động chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Ông cho biết, hiện một số nước, trong đó có Mỹ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không nên mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga do hệ thống này không tương thích với các hệ thống của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đe dọa các máy bay tàng hình thế hệ thứ năm F-35.
Nhà phân tích chính trị quân sự, trưởng bộ môn khoa học chính trị và xã hội học của Trường Đại học Kinh tế mang tên Plekhanov, ông Andrei Koshkin đã bình luận về tình huống này.
Ông Andrei Koshkin cho rằng: "Hoa Kỳ đang tích cực ngăn chặn mọi thứ liên quan đến thị trường vũ khí, nơi mà sản phẩm của các doanh nghiệp Nga thu được nhiều thành công. Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 với Nga, tất nhiên là một đòn giáng mạnh vào hình ảnh của Hoa Kỳ, vì vậy Washington cố gắng làm tất cả mọi điều để thỏa thuận mua bán này không diễn ra. Và có lẽ đây không phải là giai đoạn hành động cuối cùng mà Hoa Kỳ thực hiện, các hình thức gây áp lực khác đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được Mỹ thực hiện”.
Tuy nhiên, theo ông Andrei Koshkin, Thổ Nhĩ Kỳ không quan tâm đến các áp lực của Mỹ mà chỉ quan tâm đến việc thể hiện sự độc lập trong hành động của mình.
“Ngày nay, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng Ankara quan tâm đến việc thể hiện sự độc lập trong hành động và khả năng đối phó với sự bá chủ của Hoa Kỳ. Chúng ta cứ chờ xem mọi việc tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào”, ông Andrei Koshkin nói.
Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan |
Tóm lại, để bảo vệ lợi ích của mình, Thổ Nhĩ Kỳ phải thoát khỏi sự bảo trợ của Hoa Kỳ và phương Tây. Bằng cách mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, nước này sẽ đảm bảo an ninh cho thềm lục địa của mình ở Địa Trung Hải, nơi Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được lợi thế chiến lược về địa chính trị năng lượng ở Trung Đông, loại bỏ sự hiện diện của các tổ chức khủng bố trong khu vực và điều này sẽ gây khó chịu cho Hoa Kỳ, nước sợ mất ảnh hưởng tại Trung Đông.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ không từ bỏ kế hoạch mua hệ thống phòng không S-400, lô hàng đầu tiên sẽ được chuyển tới tới nước này vào tháng 7 tới.
Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ mua các tên lửa phòng không S-400 của Nga là nguyên nhân khiến quan hệ của nước này với Mỹ trở nên căng thẳng. Washington đã nhiều lần cảnh báo việc Ankara tích hợp công nghệ tên lửa của Nga cùng các máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ gây ra mối đe dọa cho F-35 và mối nguy hiểm cho nền quốc phòng phương Tây, đồng thời cảnh báo Ankara có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt liên quan tới vấn đề này.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hệ thống S-400 sẽ tách biệt với cơ sở hạ tầng của NATO tại Thổ Nhĩ Kỳ và không có liên hệ gì với F-35 và nước này sẽ vẫn mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác tham gia chương trình quốc tế chế tạo máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.