Thiết kế tàu Lider được phê duyệt, giấc mơ chiến hạm "khủng" của Nga hồi sinh?
Ông Igor Ponomarev, Phó chủ tịch Tập đoàn Đóng tàu Liên hợp Nga (USC) cho biết, Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã chấp thuận thiết kế mới nhất của chiến hạm khổng lồ lớp Lider. “Bộ Quốc phòng vừa phê duyệt thiết kế ban đầu của tàu chiến, mở ra cơ hội để tàu có thể được phát triển”, ông Ponomarev nói.
Mô hình tàu chiến lớp Lider của Nga. |
“Quá trình thảo luận để bắt đầu đóng tàu sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Các xưởng đóng tàu của USC có đủ các trang thiết bị cần thiết để có thể chế tạo loại tàu chiến này”, ông cũng nói thêm.
Được biết, Cục Thiết kế Severnoye, một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ngành đóng tàu biển của Nga, đã thiết kế tàu lớp Lider từ năm 2010 tới nay. Nếu được hoàn thiện, tàu Lider sẽ có chiều dài 200m, rộng 20m và có trọng lượng lên đến 17.500 tấn. Tốc độ tối đa của tàu sẽ lên đến 32 hải lý/giờ.
Tàu Lider được thiết kế để thay thế các tàu lớp Sovremennyy, hiện là tàu chiến chủ lực của Hải quân Nga, cũng như các tàu mang tên lửa lớp Slava và tàu săn ngầm lớp Udaloy I.
Nhiều khả năng tàu lớp Lider sẽ có các tên lửa Kalibr-NK có khả năng săn tàu ngầm, tấn công tàu chiến địch cũng như các cứ điểm gần bờ biển, cũng như tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Oniks có tầm bắn tối đa lên đến 300km.
Ngoài ra, tàu Lider cũng có thể sẽ được lắp đặt S-500, hiện được coi là hệ thống phòng không hiện đại nhất của Nga vào thời điểm hiện tại. Tàu cũng sẽ có bãi đáp dành cho hai trực thăng Kamov Ka-27 hoặc Ka-32 chuyên hoạt động trên biển.
Tàu lớp Lider rất có thể sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân và nhiều người cho rằng nó có thể làm nhiệm vụ trên biển mà không cần phải tiếp thêm nhiên liệu.
Nói về tàu chiến lớp Lider, chuyên gia quân sự Dave Majumdar đã từng viết rằng con tàu này “sẽ có hỏa lực mạnh hơn bất kỳ các tàu chiến nào khác mà Hải quân Mỹ đang có, khi số tên lửa nó được trang bị gấp đôi tàu lớp Arleigh Burke của Mỹ”.
“Thêm vào đó, hệ thống động cơ của tàu Lider sẽ cho phép tàu chiến mới có thể di chuyển khắp thế giới mà không cần tàu tiếp nhiên liệu đi cùng hay phải cập cảng”, ông nói thêm.