Thi vào lớp 10 Hà Nội: Thí sinh đăng ký nguyện vọng thế nào để chắc đỗ?
Thí sinh Hà Nội có thể đăng ký nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 vào lớp 10 THPT thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Chỉ còn 2 tháng nữa là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào THPT công lập Hà Nội sẽ bắt đầu. Thời điểm này thí sinh đang cân nhắc để lựa chọn nguyện vọng vào trường THPT.
Có con năm nay thi vào lớp 10, chị Nguyễn Lan Anh (quận Cầu Giấy) thắc mắc: “Nhà tôi ở Cầu Giấy nên dự định sẽ cho con đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) và một trường trên địa bàn quận Tây Hồ vì Tây Hồ gần cơ quan làm việc của tôi, hơn nữa nhà ông bà ngoại cũng ở đó nên việc đưa đón sẽ thuận tiện hơn. Tuy nhiên, không biết có thể đăng ký như thế không?”.
Về vấn đề này, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, toàn TP có 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2, NV3, trong đó NV1, NV2 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV3 thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Nếu chỉ đăng ký duy nhất 1 NV vào một trường THPT công lập thì trường này có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Nếu học sinh chỉ đăng ký 2 NV vào 2 trường THPT công lập thì NV1 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV2 thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Trường hợp học sinh đăng ký 3 NV vào 3 trường công lập thì NV1, NV2 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV3 thuộc khu vực bất kỳ.
Những học sinh thuộc vùng giáp ranh giữa khu vực tuyển sinh hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú được phép đổi khu vực tuyển sinh với điều kiện NV 1 và NV 2 phải đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong cùng khu vực tuyển sinh đã thay đổi. NV 3 (nếu có) sẽ thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Thí sinh nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng ký nguyện vọng thi lớp 10 |
Ngoài ra, còn một số trường hợp khác mà học sinh cần lưu ý: Nếu học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 không chuyên của các trường THPT Chu Văn An (lớp tiếng Anh), THPT Sơn Tây, THPT Việt Đức (lớp tiếng Đức ngoại ngữ 2, hệ 7 năm), Phổ thông Dân tộc nội trú thì nguyện vọng 1 là các trường này; nguyện vọng 2 (nếu có) phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng 3 (nếu có) thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp tiếng Nhật (ngoại ngữ 1) thì được đăng ký dự tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 vào hai trong ba trường THPT gồm: Chu Văn An, Kim Liên, Việt Đức; nguyện vọng 3 (nếu có) thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) khuyên thí sinh nên tìm hiểu về trường mình dự định thi như chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn hàng năm.... và đối chiếu năng lực bản thân để có những toan tính cho việc đăng ký dự thi.
Các em cần sáng suốt lựa chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực bản thân. Ngoài nỗ lực của bản thân, học sinh và phụ huynh cũng nên xin ý kiến đánh giá, nhận định của thầy cô giáo giảng dạy các môn để biết được năng lực, "điểm rơi phong độ" của học sinh ở mức độ nào trước khi đăng ký vào các trường THPT công lập.
Học sinh nên đăng ký theo đúng quy định về khu vực, phân bố nguyện vọng theo 3 mức để an toàn. Chẳng hạn trường nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 nên cách xa về điểm chuẩn an toàn từ 3-5 điểm trở lên, trường nguyện vọng 3 nên là một trường có thể cùng hoặc không cùng khu vực nhưng điểm chuẩn ở mức không cao, thậm chí thấp.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2022-2023 tại Hà Nội diễn ra trong hai ngày 18 và 19/6-2022 với ba môn Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán.
Thí sinh dự thi các môn chuyên làm bài thi từ chiều ngày 19/6 đến hết ngày 20/6-2022. Trong số các bài thi nói trên, bài thi môn Toán và bài thi môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài; bài thi môn ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút.
Năm học 2021-2022, Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học trước. Dự kiến, các trường THPT tuyển vào lớp 10 khoảng 104.000 học sinh (trong đó có khoảng 77.000 học sinh vào trường công lập, số còn lại vào trường tư thục). Các Trung tâm GDNN-GDTX tuyển khoảng 12.900 học viên. Số còn lại theo học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
KVTS 1: gồm quận Ba Đình, Tây Hồ.
KVTS 2: gồm quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.
KVTS 3: gồm quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy.
KVTS 4: gồm quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì.
KVTS 5: gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
KVTS 6: gồm huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
KVTS 7: gồm quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức, Đan Phượng.
KVTS 8: gồm thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ, Ba Vì.
KVTS 9: gồm huyện Thạch Thất, Quốc Oai.
KVTS 10: gồm quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ, Thanh Oai.
KVTS 11: gồm huyện Thường Tín, Phú Xuyên.
KVTS 12: gồm huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức.
Hoàng Thanh