Thị trường bất động sản đang phức tạp, khó dự đoán, liệu có xảy ra ‘bong bóng’?
Cơn sốt đất diễn ra ở nhiều tỉnh trên cả nước, việc mua bán tấp nập khiến giá tăng phi mã từ đầu năm 2022 rồi chững lại, giao dịch giảm nhưng giá lại không giảm. Điều gì đang diễn ra, liệu có xảy ra ‘bong bóng’ bất động sản?
Đánh giá về thị trường bất động sản, chia sẻ với PV Infonet, Phó Chủ tịch HDMon Group Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thị trường bất động sản thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong 2 năm qua đã tăng đột biến bất chấp đại dịch Covid-19 vì lãi suất siêu thấp, ít các cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư.
Cơn sốt đất diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, việc mua bán tấp nập khiến giá cả tăng phi mã từ đầu năm 2022.
Theo chuyên gia, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn phức tạp, khó dự đoán.... |
“Tuy nhiên, hiện tượng sốt nóng đã chững lại, giao dịch thực tế giảm đáng kể trong thời điểm này. Có một thực trạng bất bình thường là giá đang ở mức cao ngay cả khi thị trường trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp dựa vào vay ngân hàng để phát triển dự án đang rất khó khăn do việc siết tín dụng trong khi người mua cũng khó đầu tư do không thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng”, ông Tuấn nói.
Giá bất động sản cao ngay cả khi thị trường trầm lắng, vậy sắp tới có lo ngại xảy ra ‘bong bóng’ bất động sản hay không?
Trả lời câu hỏi này của PV Infonet, ông Tuấn cho rằng sẽ khó xảy ra tình trạng ‘bong bóng’ bất động sản. Lý do, từ đầu năm đến nay đang có hiện tượng lệch cung cầu.
Nguồn cung giảm trong khi nhu cầu ở và đầu tư ở mức cao. Ngoài ra việc ‘siết’ chặt các thủ tục pháp lý dự án, kiểm soát kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp dẫn đến tình trạng không có sản phẩm mới ra mắt thị trường.
Theo ông Tuấn, có nhiều ý kiến cho rằng giá bất động sản tăng cao đến bất thường tại hầu hết các phân khúc và thị trường. Thực tế chứng minh chi phí xây dựng và nguyên vật liệu tăng đột biến từ năm 2021.
Hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng thiếu hụt vật liệu nghiêm trọng, vận chuyển kéo dài, chi phí quản lý, lạm phát tăng cao khiến cho các chủ đầu tư buộc phải tăng giá để bù lỗ vào các chi phí phát sinh.
Điều này đang dẫn đến việc người có nhu cầu ở thật thì không có đủ khả năng mua trong khi người bán thì cố neo giá cao để đảm bảo vốn và lời.
“Việc ‘siết’ tín dụng cũng đang tác động rất lớn đến các giao dịch mua bán trong thời gian này vì gần như người mua không thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng để giao dịch. Trong khi nhiều chủ đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến việc thu xếp nguồn vốn để phát triển dự án. Tôi cho rằng, thị trường bất động sản đang diễn biến phức tạp và khó dự báo do các yếu tố về bất ổn chính trị thế giới và dịch bệnh”, ông Tuấn cho hay.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, việc siết tín dụng và kiểm soát lại kênh trái phiếu là cần thiết nhưng cũng cần sớm khơi thông nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp tục phát triển dự án và người mua được hỗ trợ tín dụng từ ngân hàng để giao dịch.
“Sau khi chứng khoán và tiền ảo ‘rơi thẳng’, đại bộ phận nhà đầu tư luôn khẳng định bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn và lâu dài. Dự báo những sản phẩm bất động sản tạo ra dòng tiền tốt, tăng trưởng cao vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm như shophouse kinh doanh buôn bán. Chung cư và nhà ở ngay ở Hà Nội, TP HCM được quan tâm cao vì nguồn cung ngày càng khan hiếm…”, ông Tuấn nhận định thêm.
Ở góc nhìn từ chuyên gia, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, thực tế suốt 2 năm qua giá bất động sản đã tăng nóng không riêng Việt Nam mà toàn thế giới. Năm 2020, giá bất động sản trên thế giới tăng bình quân 6,5%, năm 2021 là 6-7%, tùy thị trường.
Nguyên nhân tăng giá do dòng tiền rẻ, lãi suất thấp, cơ hội sản xuất kinh doanh ít nên nhiều người quay về bất động sản. Không ít người đầu tư chứng khoán thắng đậm cũng chốt lời chuyển sang bất động sản để đầu tư. Tuy nhiên, năm 2022 đã có nhiều diễn biến khác…
Theo ông Lực, năm 2022, đặc biệt nửa cuối năm đã không còn các yếu tố cơ bản để đẩy giá bất động sản tăng như 2 năm qua, trừ thông tin pháp lý được điều chỉnh, công bố quy hoạch, cơ sở hạ tầng được đầu tư...
“Các động thái chính sách điều tiết của Chính phủ, bộ ngành, các địa phương như đánh thuế bất động sản... giúp thị trường bất động sản lành mạnh hơn, trở về giá trị thực hơn. Nhìn về lâu dài, thị trường bất động sản đang diễn biến tích cực, dần trở về trạng thái cân bằng hơn và khó hình thành ‘bong bóng’”, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định.
Minh Thư
Giá nhà sẽ tăng hay giảm nếu bỏ khung giá đất?
Theo chuyên gia, khi bỏ khung giá đất sẽ có tính tích cực cho thị trường bất động sản, để thị trường tự quyền quyết định có lợi hơn có hại…. Vậy, nếu bỏ khung giá đất sẽ tác động như thế nào đến giá nhà?