Độ cao lan can, lưới an toàn ở chung cư lắp sao an toàn và phải đúng luật?
Chiều cao lan can có thể làm cao hơn nhưng phải đảm bảo là cửa thoát hiểm khi có cháy nổ. Lan can làm thêm lưới an toàn bằng vật liệu mềm để khi cháy nổ dễ cắt bỏ nhanh, không được làm kết cấu thép cứng
'Người hùng' cứu bé rơi từ tầng 12A: "Đầu cháu nằm trên tay phải tôi"
“Lúc đó tôi nhớ phần đầu cháu nằm trên tay phải tôi. Hai chú cháu nằm in hằn một vệt lõm trên mái tôn. Từ lúc tôi phát hiện vụ việc đến lúc đỡ bé gái chỉ khoảng một phút".
Nhiều gia đình ở chung cư lắp lưới an toàn ở ban công, lô gia để hạn chế nguy hiểm cho trẻ nhỏ. (Ảnh: Minh Thư) |
Có nên thay đổi quy chuẩn xây dựng, nâng chiều cao lan can để an toàn hơn?
Trao đổi với PV Infonet, PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Bộ Xây dựng đưa ra quy định lan can chiều cao tối thiểu 1,4m là đã tính đến chiều cao của người Việt Nam. Chưa kể các cấu tạo chi tiết của lan can để trẻ em không trèo qua, từng thanh lan can phải đổ cứng để không bẻ cong được... đều được quy định chặt chẽ.
Nói về vụ việc bé gái trèo qua lan can và rơi từ tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng xuống, ông Chủng cho rằng phải điều tra thực tế tòa chung cư xảy ra sự việc có xây dựng tuân theo tiêu chuẩn và quy chuẩn không?
“Bộ Xây dựng đã ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhất là quy chuẩn 05 về an toàn sinh mạng là rất rõ rồi, nếu tuân theo quy định đó chắc chắn giảm thiểu.
Tôi khẳng định các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Xây dựng ban hành cho tới nay đảm bảo được khả năng ngăn ngừa mất an toàn xảy ra với sinh mạng con người. Có điều, khi áp dụng vào xây dựng công trình, người ta có làm đúng hay không? Còn việc thẩm tra, kiểm tra các công trình chủ đầu tư xây dựng có đúng quy định hay không thì thuộc về các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn”, PGS.TS Trần Chủng nói.
Theo ông, phải hướng dẫn cho người dân sử dụng tòa nhà công trình, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ tai nạn. Chẳng hạn, ở ban công, lô gia không được để các vật để các bé dễ leo trèo được.
Còn việc có nên nâng cao chiều cao lan can để dù trẻ em có bắc ghế cũng không trèo qua được hay không, ông Chủng cho rằng, nếu nâng cao chiều cao lan can lên nữa thì bịt kín hết, điều này lại liên quan đến an toàn phòng cháy chữa cháy.
“Chiều cao lan can có thể cao hơn nhưng phải đảm bảo nơi ấy còn là cửa thoát hiểm khi có thể xảy ra vấn đề liên quan đến an toàn cháy nổ”, ông nhấn mạnh.
Vì thế, để an toàn hơn, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng cho rằng, các gia đình ở chung cư có thể lắp các loại lưới mềm ở ban công để khi phơi quần áo có thể không bị bay rơi, đó cũng là cách phòng ngự, là hình ảnh để trẻ nhỏ thấy rằng không thể qua được.
“Lan can làm thêm lưới an toàn bằng vật liệu mềm thì khi xảy ra cháy nổ có thể cắt bỏ nhanh, còn làm kết cấu thép cứng thì không được”, ông Chủng lưu ý.
Theo Quy chuẩn xây dựng của Việt Nam, các công trình xây dựng dù cao hay thấp tầng đều phải được thiết kế bảo đảm an toàn về kết cấu, an toàn cháy nổ và môi trường cho người sử dụng.
Về vấn đề an toàn cho người sử dụng, tại “Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khoẻ” (QCXDVN 05:2008/BXD) nêu rõ: Lan can cầu thang, vế thang, chiếu tới, chiếu nghỉ phải có lan can bảo vệ ở các cạnh hở.
Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi lui tới, lan can cần đảm bảo các yêu cầu sau: khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100 mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.
Chiều cao tối thiểu của lan can được quy định rõ: Nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng lô gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên, chiều cao tối thiểu là 1,4 m. Vế thang đường dốc, tối thiểu 0,9 m; các vị trí khác tối thiểu 1,1 m
Tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng QCVN 04-1:2015/BXD cũng nêu rõ: “Rào hoặc lan can chống rơi ngã tại các của sổ đối với phòng từ tầng 9 trở lên phải không thấp hơn 1,4 m; đối với phòng dưới tầng 9 phải không thấp hơn 1,1 m.
Đối với căn hộ không có lô gia, cần bố trí tối thiểu một cửa số có kích thước lỗ mở thông thủy không nhỏ 600x600 mm phục vụ cứu hộ, cứu nạn.
Mặc dù trong hệ thống văn bản quy chuẩn của Bộ Xây dựng về thiết kế, xây dựng chung cư, nhà cao tầng, vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ em rất được quan tâm, song thực tế thời gian gần đây liên tiếp các sự việc thương tâm xảy ra.
Mới đây nhất, chiều tối 28/2, vụ việc khiến nhiều người hoảng sợ đến thót tim khi xem clip bé gái 3 tuổi leo qua lan can rồi treo mình lơ lửng ở ban công một căn hộ ở tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Rất may mắn, bé gái sinh năm 2018 này được anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội; làm nghề chở hàng) nghe tiếng khóc, tiếng tri hô của người dân đã nhanh chân leo lên mái tôn phía dưới vị trí bé gái treo mình, kịp đỡ được khi bé tuột tay rơi xuống. Ngay sau đó, bé gái được đưa đi bệnh viện cấp cứu, xác định bị gãy xương tay, chân, không nguy hiểm đến tính mạng.
Trẻ rơi từ ban công chung cư, thoát chết nhưng có thể mắc hội chứng sợ độ cao về sau
Trẻ rơi từ ban công chung cư cao tầng xuống đất may mắn được cứu sống, thoát chết nhưng có thể mắc hội chứng sợ độ cao...
Minh Thư