Các "ông chủ" nhà băng nói gì về giá cổ phiếu, chia cổ tức?
Ngoài chiến lược kinh doanh thì giá cổ phiếu, chia cổ tức là những vấn đề "nóng" tại mùa ĐHĐCĐ thường niên năm nay của các nhà băng.
Sacombank
Chia cổ tức tiếp tục là chủ đề nóng tại ĐHCĐ của Sacombank năm nay khi nhiều cổ đông bày tỏ muốn sớm được nhận cổ tức sau 4 năm "nhịn" để ngân hàng tập trung tái cơ cấu.
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank chia sẻ ông cũng muốn chia vì giá cổ phiếu đang tốt nhưng vẫn phải chờ NHNN và tái cơ cấu thành công. "HĐQT hứa cố gắng 5 năm tái cơ cấu thành công, và tôi hy vọng 2022 sẽ thành công, Sacombank trở về trạng thái bình thường sẽ được quyền xin NHNN chia cổ tức, nên kỳ vọng đến 2022 hoặc đầu 2023 có thể chia", ông Minh nói.
Chủ tịch Sacombank nhấn mạnh bản chất vấn đề của ngân hàng hiện nay vẫn là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công thì mới xử lý vấn đề khác như chia cổ tức, cổ đông chiến lược.
Theo tờ trình báo cáo kết quả kinh doanh, ngân hàng cho biết nguồn lợi nhuận giữ lại đang ở mức cao hơn 6.400 tỷ đồng. Sacombank dự kiến sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng kỳ vọng của cổ đông; và hiện đang chờ sự phê duyệt của NHNN để triển khai thực hiện.
TPBank
Tại ĐHĐCĐ thường niên hôm 23/4, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPbank cho biết TPBank không trình kế hoạch chia cổ tức do năm nay ngân hàng còn có những hạng mục cần thiết để đầu tư, tăng trưởng kinh doanh.
"Tính đến năm 2020, ngân hàng còn khoảng 6.022 tỷ đồng lời nhuận để lại. Với con số này, bất cứ thời điểm nào, chúng ta có thể chuyển số tiền này thành cổ phiếu thưởng cho các cổ đông", ông Phú nói.
Dự kiến trong năm 2021, lợi nhuận sau thuế và trích các quỹ còn khoảng 4.600 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến tính đến hết năm 2021, TPBank sẽ có khoảng 21.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, bao gồm vốn điều lệ 10.717 tỷ đồng và phần lợi nhuận để lại các năm trước.
"Còn trong năm 2021 chúng tôi chưa đưa kế hoạch chia cổ tức không có nghĩa là chúng tôi không chia, mà nó đặt ra vấn đề là chia bao nhiêu vì năm nay có khá nhiều việc chúng ta phải làm như đầu tư ngân hàng số, mua công ty tài chính", Chủ tịch TPBank cho hay.
Ngoài ra, ông Phú cũng cho biết sau khi cân nhắc, TPBank sẽ gửi cho các cổ đông dự kiến về việc chia cổ tức vào một thời điểm thích hợp.
Techcombank
Tương tự TPBank, Techcombank chưa có ý định chia cổ tức trong năm nay. Tại ĐHĐCĐ, một cổ đông đã đặt câu hỏi với lãnh đạo ngân hàng về việc vì sao không chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, trong bối cảnh các ngân hàng khác đều đang có kế hoạch tăng vốn mạnh thông qua cổ phiếu thưởng.
Về việc này, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank cho rằng, tăng vốn điều lệ chỉ là một phần trong hoạt động chiến lược của ngân hàng, và trên thực tế, vốn chủ sở hữu mới là vấn đề quan trọng.
"Hiện nay một số ngân hàng áp dụng chia cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu nhưng khi chia cổ phiếu thì cổ đông phải đóng 5% thuế còn bán trực tiếp thì sẽ không chịu chi phí đó", ông Hùng Anh nói. Theo Chủ tịch Techcombank, việc chia hay không chia không quan trọng vì ngân hàng đã tăng vốn đủ để phục vụ hoạt động kinh doanh, câu chuyện là làm thế nào để sử dụng vốn sao cho giá trị ngân hàng tăng lên.
SHB
Chủ tịch HĐQT SHB - ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ, những năm trước, có những cổ đông rất trăn trở về việc HĐQT có trách nhiệm thế nào để giá cổ phiếu lên. "Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có trách nhiệm làm tốt, quản trị tốt để SHB phát triển lành mạnh, minh bạch, nhà đầu tư sẽ tự phân tích đánh giá chất lượng hiệu quả hoạt động, giá trị doanh nghiệp được quyết định ra giá trị cổ phiếu", ông nói. "Bầu Hiển" cho rằng, cổ phiếu SHB tăng giá thời gian qua cũng cho thấy ngân hàng đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, khẳng định được giá trị của SHB trong hiện tại và tương lai.
Năm nay SHB chia cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% và cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10,5%. Ngân hàng cũng dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2021 tỷ lệ 15%.
Tại ĐHĐCĐ thường niên, một cổ đông SHB cho rằng, năm 2020 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận 8% và chia cổ tức 10,5% là hợp lý nhưng năm 2021 mục tiêu lợi nhuận tăng tới hơn 70% nhưng cổ tức chỉ dự kiến chia 15% là quá thấp.
Đáp lại thắc mắc của cổ đông, "bầu" Hiển giải thích rằng: "Cơm không ăn gạo còn đấy. Chúng ta không chia hết, vốn còn lại sẽ được đưa vào kinh doanh, sinh lời, nâng cao năng lực tài chính cho SHB. Bản thân tôi cũng là cổ đông lớn, rất chia sẻ với các cổ đông khác, nhưng chưa chia được thì cứ để lại, 5 năm sau thì nó sẽ lớn gấp nhiều lần".
NCB
Tại ĐHĐCĐ thường niên sáng nay (26/4), ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT NCB cho biết trong vòng một năm qua, giá cổ phiếu NVB đã tăng 83%. Trước câu hỏi "Giá cổ phiếu NVB có tiếp tục tăng trong thời gian tới", ông Dũng khẳng định "giá cổ phiếu NVB chắc chắn sẽ tiếp tục tăng, vì dư địa tăng trưởng của ngân hàng còn rất lớn".
Ông Dũng cho rằng, NCB không tăng trưởng vũ bão như các ngân hàng khác trong thời gian qua mà tập trung lớn vào phát con người, hệ thống quản trị. Nhưng từ năm 2021, sẽ đánh dấu bước tăng trưởng mới của NCB do có một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, cùng với đó là sức bật dậy của nền kinh tế.
Ngân hàng dồn dập báo lãi đậm quý 1
Hàng loạt ngân hàng lớn mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 với tăng trưởng lợi nhuận rất cao.
Theo cafef.vn/Doanh nghiệp và Tiếp thị