Nông dân Thanh Hóa “hái” tiền tỷ từ sen Nhật
Đưa giống sen Nhật về trồng trên những vùng đồng ruộng chiêm trũng, anh đã “hồi sinh” lại những vùng đất “chết”. Mỗi năm thu nhập cả tỷ đồng nhờ những sản phẩm từ cây sen.
Ở xã Thọ Lâm (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) khi nhắc đến anh ai cũng biết. Họ biết đến anh là một người nông dân cần cù, chịu khó. Hơn thế nữa, đó chính là sự thành công từ mô hình trồng sen Nhật cao sản ở địa phương.
Anh là Phạm Văn Cường – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Lâm. Vốn là một cán bộ phụ trách những công việc “chân lấm, tay bùn”, nên những việc từ chăn nuôi đến đồng áng là một đặc thù mà quanh năm anh gắn liền với nó. Hai năm trở lại đây, trong một lần bén duyên với cây sen, anh đã quyết định xây dựng mô hình kinh tế từ cây sen trên chính quê hương mình.
“Năm 2018, trong một lần thăm quan mô hình trồng sen của một người em. Tôi thấy đây là một mô hình rất thiết thực và đem lại nguồn lợi kinh tế tốt. Đặc biệt, đây là mô hình rất phù hợp với điều kiện ở địa phương. Từ đó, tôi quyết định mạnh dạn thử sức một phen”. Xét thấy nhiều diện tích đồng chiêm trũng ở địa phương để lâu ngày không canh tác. Anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, thầu lại đồng ruộng rồi cải tạo, trồng cây sen Nhật cao sản lấy hạt kết hợp nuôi cá và trồng dừa nước.
Mặc dù đã có những kinh nghiệm sau nhiều năm gắn liền với nghề, nhưng phải mất một thời gian dài anh mới hiểu hết những đặc tính của cây sen.
“Thông thường một năm chỉ trồng được một vụ sen. Mỗi chu kỳ sen kéo dài từ 10 – 15 năm. Việc chăm sóc sen phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước và thời tiết. Lượng nước phải luôn được đảm bảo để sen sinh sống tốt. Tuy nhiên, vào mùa đông sen sẽ trụi cây. Đây là thời gian ngủ đông, nhưng nếu biết cách làm thì mỗi năm sẽ trồng được 2 vụ” - Anh Cường cho biết.
Theo vị Chủ tịch Hội nông dân, trồng sen không tốn nhiều công chăm sóc. Ngoài ra, nó còn đem lại nhiều nguồn lợi kinh tế. Như giống sen của gia đình anh đang trồng chủ yếu dùng để lấy hạt. Tuy nhiên, tất cả những gì từ cây sen đều có thể sử dụng được. Hoa sen dùng để ướp trà, lá sen được băm nhỏ, phơi khô làm trà uống.
Hiện tại, gia đình anh đang sở hữu mô hình trồng sen lớn nhất cả huyện, với 18ha sen Nhật cao sản kết hợp nuôi cá, vịt trời và trồng dừa nước. Mỗi năm, mô hình này đem về thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
Sen Nhật sau khi được cấy trồng, sau 70 ngày có thể thu hoạch được. Sản phẩm từ giống sen này chủ yếu để lấy hạt. Hiện nay, mỗi vụ gia đình anh xuất bán sang Nhật Bản từ 10 – 13 tấn. Với giá bán 45 – 50 nghìn đồng/1 kg hạt khô, 35 – 40 nghìn đồng/1kg hạt tươi, mỗi vụ anh thu về 600 – 700 triệu đồng.
Hoa sen sau khi dùng để ướp trà sẽ được bảo quản và đem bán làm trà sen với giá bán 20 nghìn đồng/1 bông.
Anh Cường chia sẻ, trà ướp sen được người tiêu dùng trong nước rất ưa thích. Thị trường tiêu thụ về sản phẩm này chủ yếu tại các thành phố lớn khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Dự định về thời gian tới, anh Cường cho biết: “Tôi đang thử nghiệm trồng 2 vụ sen trong 1 năm. Nếu thành công, tôi sẽ tiến hành trên diện rộng và mở thêm nhiều dịch vụ từ cây sen. Tôi cũng đang phấn đấu đưa mô hình sen Nhật này thành một sản phẩm OCOP.”
Đắt gấp 2 lần thịt bò Mỹ, khoai lang "xách tay" từ Nhật giá hơn nửa triệu đồng/kg
Để thưởng thức 1 củ khoai lang nhập khẩu từ Nhật, thượng khách phải bỏ ra gần 500.000 đồng, nghĩa là đắt gấp 2 lần giá thịt bò Mỹ và hơn 20 lần giống cùng loại trồng tại Việt Nam.
Theo baothanhhoa.vn