Những ngôi làng 'ông Táo' nức tiếng, mỗi năm bán cả trăm tấn cá chép đỏ
Những nơi được gọi là làng "ông Táo" như Thủy Trầm (Phú Thọ), Tân Phong (Thanh Hóa) hay ở Đồng Nai.... bởi người dân ở những nơi này chủ yếu nuôi cá chép đỏ để phục vụ thị trường ông Công ông Táo...
Cá chép đỏ phục vụ cho ngày đưa Táo quân về trời. |
Cá chép đỏ làng Thủy Trầm
Làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ nổi tiếng trong vùng với nghề nuôi cá chép đỏ.
Theo người dân làng Thủy Trầm, hàng năm, cứ đến khoảng ngày 20 – 21 tháng Chạp là thời điểm làng Thủy Trầm nhộn nhịp nhất bởi thương lái cùng những chuyến xe tải vào, ra tấp nập để chở cá. Tuy nhiên, năm nay mới chỉ lác đác mấy người đến mua.
Lượng người mua cá chép đỏ năm nay giảm hơn năm ngoái, một phần có thể do người nuôi ở Thủy Trầm tăng hơn, mặt khác có thể nhiều người cá chép đỏ ở các tỉnh cũng nuôi thành công nên giá cũng có thể giảm hơn so với mọi năm. Hiện giá cá chép đỏ được thương lái thu mua khoảng 30 nghìn đồng/kg.
Được biết, hầu hết người dân ở làng Thủy Trầm nuôi cá giống và cá thịt xen với chép đỏ, cuối năm sau khi đã thu hoạch hết các loại các giống, cá thịt thì còn lại nguyên cá chép đỏ để phục vụ cho ngày đưa Táo quân về trời.
Hiện nay cả làng Thủy Trầm có trên 30 ha nuôi cá chép đỏ, bình quân mỗi hộ có từ 1 đến 2 ao nuôi thả cá, mỗi năm Thủy Trầm cung cấp ra thị trường khoảng gần 50 tấn cá. Thu nhập bình quân của những hộ nuôi cá trong làng cũng khoảng vài chục triệu đồng/năm.
Nhờ cá chép đỏ, làng Thủy Trầm đã nổi tiếng xa gần. Cá chép đỏ Thủy Trầm có mẫu mã đẹp, được người dân chọn làm lễ phóng sinh nhân dịp Tết ông Công ông Táo.
Tháng 12/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm và bảo vệ thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm trên phạm vi toàn quốc.
Làng Thủy Trầm có trên 30 ha nuôi cá chép đỏ, cung cấp ra thị trường khoảng gần 50 tấn cá. |
Cá chép đỏ nức tiếng xứ Thanh
Thị trấn Tân Phong (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) hiện có hơn 300 hộ nuôi thả cá chép đỏ, tập trung ở các thôn: Bái Trúc, Tân Hậu, Tân Cổ... với tổng diện tích khoảng 60 ha. Trong đó, có 6 hộ nuôi thả cá quy mô trang trại còn lại là nuôi trong ao của gia đình.
Nghề nuôi cá chép đỏ ở thị trấn Tân Phong đã có từ nhiều năm nên kinh nghiệm nuôi thả, chăm sóc của các hộ khá tốt, cá luôn khỏe, đẹp nên được người tiêu dùng trên thị trường ưa chuộng. Vì vậy, từ đầu tháng Chạp, các thương lái đã về đặt tiền và thu mua cá chép đỏ để vận chuyển đi các thị trường trong, ngoài tỉnh chuẩn bị tiêu thụ vào ngày Tết ông Công, ông Táo.
Thời gian nuôi cá chép đỏ phục vụ thị trường Tết ông Công ông Táo chỉ tập trung khoảng 5 - 6 tháng cuối năm. Sau 6 tháng thả nuôi, chăm sóc, đến khi thu hoạch, cá chép đỏ có trọng lượng từ 50 - 60 con/kg, kích cỡ vừa phải, màu sắc đỏ tươi hoặc vàng, đuôi dài, vây nhọn, vảy ánh đẹp, khỏe mạnh, nhìn rất bắt mắt.
Trước ngày Tết ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp), nơi đây rất nhộn nhịp và tấp nập người về mua cá chép đỏ bán làm lễ cúng ông Công ông Táo. Năm nay, giá cá chép đỏ được người dân bán từ 80.000 - 90.000 đồng/kg.
Được biết, tổng sản lượng cá chép đỏ ở nơi đây đạt khoảng 45 - 50 tấn/năm, doanh thu khoảng 3,6 đến 4 tỷ đồng/năm, cao gấp 5 - 7 lần so với nuôi các loại cá thương phẩm khác.
Người dân Tân Phong thu hoạch cá để chuẩn bị xuất bán phục vụ thị trường ông Công ông Táo. |
Làng cá chép đỏ lớn nhất Đồng Nai
Xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom được xem là vùng nuôi cá chép lớn nhất ở Đồng Nai, trong đó có cá chép phục vụ thị trường ông Công ông Táo.
Năm nay, xã Bắc Sơn có gần 100 hộ gia đình nuôi cá chép cung cấp cho thị trường dịp Tết ông Táo và phóng sinh đầu năm với sản lượng hơn 100 tấn.
Cá chép ở địa phương có ưu điểm vượt trội so với cá từ các nơi khác như: cá khỏe, màu đỏ óng, vây dài, kích thước đồng đều… nên được ưa chuộng.
Năm nay giá cá chép bán sỉ tại địa phương dao động 55-60 ngàn đồng/kg. Với giá bán này, người nuôi cá cúng ông Táo lời khoảng 25-30 triệu đồng mỗi tấn cá.
Cá hiện được tiêu thụ tại địa phương, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên.
Người dân xã Bắc Sơn cho biết, nghề nuôi cá chép có từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ban đầu, chỉ cải tạo vài đám ruộng trũng thấp để nuôi cá, về sau, thấy nuôi cá cho thu nhập hơn hẳn trồng lúa, nhiều hộ dân cải tạo ruộng lúa, đầu tư ao nuôi cá các loại, trong đó có cá chép cúng ông Táo.
PV (t/h)
Thị trường đồ lễ ông Công ông Táo trầm lắng vắng khách mua, tiểu thương lo ế hàng
Tết ông Công ông Táo năm nay rơi vào ngày thường nên 2 ngày cuối tuần này, nhiều nhà tranh thủ mua sắm làm lễ tiễn Táo quân về trời sớm. Tuy nhiên, tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, không khí mua sắm khá trầm lắng.