Nhu cầu laptop tăng vọt
Nhiều phụ huynh phải "cắn răng" mua máy tính giá cao trong khi thời gian giao hàng bị kéo dài rất lâu.
Phụ huynh tìm “đỏ mắt” cũng không có máy tính giá rẻ, phù hợp cho việc học online của học sinh tiểu học, trung học. |
Thông tin từ các siêu thị, cửa hàng máy tính cho thấy đơn hàng đặt mua máy tính xách tay (laptop) dồn dập từ đầu tháng 8 đến nay. Nguyên nhân bởi năm nay, phần lớn các tỉnh, thành tổ chức cho học sinh, sinh viên học trực tuyến (online) dự kiến hết học kỳ I.
Giá tăng liên tục
Đại diện Thế Giới Di Động thông tin sức mua laptop giai đoạn này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc ngành hàng laptop FPT Shop, sức mua trong tháng 8 tăng 30% so với tháng trước và tăng gần 100% so với cùng kỳ năm trước. Các mẫu máy giá khoảng 20 triệu đồng được khách hàng chọn mua nhiều nhất với mức tăng trưởng doanh số khoảng 70% so với tháng trước và 200% so với cùng kỳ năm trước.
Các hãng điện tử cũng thừa nhận nhu cầu laptop đang tăng rất mạnh. Chỉ riêng 8 tháng năm 2021, khoảng 800.000 laptop đã được nhập về Việt Nam, bằng tổng lượng nhập cả năm 2020. Hãng Acer ghi nhận nhu cầu tiêu thụ laptop trong tháng 8 vừa qua tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến trong tháng 9 này, nhu cầu có thể tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ.
Giá laptop cũng đã tăng không ngừng trong thời gian qua. Nếu như mức giá trung bình của các dòng máy trong năm 2018 là khoảng 13-14 triệu đồng/chiếc thì năm 2019 tăng lên 14-15 triệu đồng/chiếc, năm 2020 nhảy vọt tới 17 triệu đồng/chiếc và năm 2021 là 18-19 triệu đồng/chiếc. Xét riêng từng dòng máy, mức tăng cũng rất đáng kể, ví dụ: mẫu laptop có cấu hình i3 tăng 1,2 triệu đồng so với năm trước lên mức giá bán từ 13,5-15 triệu đồng/chiếc; mẫu máy i5 tăng 1,5-2,2 triệu đồng/chiếc lên mức giá 16-24 triệu đồng/chiếc.
Khi khai giảng bắt đầu, nhiều gia đình ở Hà Nội vội vã sắm máy tính để bàn, laptop để cho con học online. Ảnh: Dân trí.
Người tiêu dùng trong giai đoạn này cũng không có nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu và tình hình tài chính bởi các dòng sản phẩm đều rất khan hiếm. Hiện, gần như không còn các mẫu máy giá khoảng 13-14 triệu đồng trở xuống. FPT Shop thông báo nguồn cung những mẫu laptop giá khoảng 10 triệu đồng từ các hãng đều rất thiếu. Thế Giới Di Động cũng cho hay laptop giá thấp cực kỳ khan hiếm, chỉ những mẫu tầm giá 16-17 triệu đồng/chiếc mới đủ nguồn cung phục vụ thị trường.
"Dịch bệnh kéo dài khiến cung ứng linh kiện gặp nhiều khó khăn, kéo theo giá thành tăng, nguồn cung sản phẩm hạn chế. Do vậy, các nhà máy hạn chế sản xuất những mẫu máy có giá trị thấp, tập trung vào mẫu có giá trị cao để tối ưu hóa lợi nhuận. Mỗi lần chúng tôi nhập hàng về chỉ có khoảng vài trăm chiếc giá trên dưới 10 triệu đồng, không thấm vào đâu so với nhu cầu thị trường" - đại diện một nhà bán lẻ lý giải.
Đợi giao hàng... cả tháng
Các nhà bán lẻ hiện còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến việc giao nhận hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Hầu hết nhà bán lẻ laptop hiện không thể tự giao hàng mà phải thông qua các đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp để đưa hàng đến tận tay khách hàng trong giai đoạn giãn cách, dẫn đến thời gian giao hàng bị kéo dài.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, cho hay nhu cầu đặt mua laptop, máy tính bảng gần đây tăng rất mạnh do đúng vào mùa tựu trường. Tuy vậy, do gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, toàn hệ thống chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của khách hàng.
"Có những đơn hàng đã thanh toán trước cả tháng trời nhưng nhà vận chuyển vẫn chưa thể giao hàng được. Chúng tôi cũng đang nỗ lực phối hợp với các đối tác vận chuyển uy tín được Sở Công Thương cho phép hoạt động để có thể giao hàng trong vòng 72 giờ ở nội thành TP Hồ Chí Minh" - ông Huy cho hay.
Tại Thế Giới Di Động, đại diện hệ thống này thừa nhận đơn hàng giao đến người mua thông qua nhà vận chuyển phải mất từ 7-14 ngày. Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc ngành hàng Viễn thông Di động FPT Shop, khẳng định dù rất khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa nhưng doanh nghiệp vẫn luôn tận dụng mọi cơ hội để có thể cung cấp máy tính phục vụ nhu cầu học tập, làm việc của khách hàng.
Theo thống kê sơ bộ từ các nhà bán lẻ, hàng năm, có khoảng 400.000-500.000 sinh viên có nhu cầu mua laptop. Năm nay, do yêu cầu học online ở nhiều địa phương nên hàng triệu học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông đều cần thiết bị phục vụ học tập, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ máy tính tăng đột ngột.
Thực tế, các mẫu máy pentium với giá thấp khoảng 10 triệu đồng đã có đầy đủ tính năng, công cụ... cần thiết để phục vụ học sinh, song trên thị trường lại rất hiếm mẫu này. Nhiều gia đình buộc phải mua máy có cấu hình mạnh với giá 16-17 triệu đồng trở lên cho con em học và có nguy cơ gây lãng phí khi việc học tập tại trường trở lại bình thường sau dịch.
Mỗi con lợn lỗ hơn triệu, chủ nuôi lao đao, cuối năm lo thiếu thịt
Giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng trong khi giá lợn hơi ngày 1 giảm, người chăn nuôi lâm vào thua lỗ, nhiều chủ chăn nuôi lợn không muốn tái đàn. Tình hình này khiến nhiều người e ngại nguồn cung thịt lợn vào dịp cuối năm sẽ thiếu hụt.
Theo NLĐ