Cổ phiếu bất động sản nóng trở lại, FLC bị bán tháo, lệnh mua trống trơn
Thị trường chung trong phiên sáng nay (29/3) giao dịch khá tích cực với sự trở lại của nhóm các cổ phiếu ngành ngân hàng, bất động sản, tuy nhiên cổ phiếu FLC tiếp tục bị các nhà đầu tư bán tháo phiên thứ hai liên tiếp, giá giảm mạnh.
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết |
Trong cả phiên giao dịch buổi sáng, FLC luôn trong trạng thái giảm sàn về 12.650 đồng/cp, dư bán lên đến hơn 70 triệu cổ phiếu, trong khi lệnh mua trống trơn.
Không chỉ FLC, nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái của doanh nghiệp này như ROS, HAI, KLF, AMD tiếp tục bị bán tháo, giá giảm mạnh.
Cụ thể, ROS giảm sàn còn 8.160 đồng/cp với gần 50 triệu cổ phiếu dư bán, HAI giảm 6,2% còn 5.930 đồng/cp; KLF giảm 7,8% còn 5.900 đồng/cp; AMD giảm 6,8% còn 6.210 đồng/cp.
Tuy nhiên, thị trường chung trong phiên sáng nay giao dịch khá tích cực với sự trở lại của nhóm các cổ phiếu ngành ngân hàng, bất động sản. Đóng cửa phiên sáng, VN-Index tăng 12,78 điểm lên 1.496,94 điểm.
Trong nhóm 30 cổ phiếu thuộc VN30, chỉ còn 4 mã giảm giá, 2 mã đứng giá và có tới 24 mã tăng giá.
Cổ phiếu của một số ngân hàng được cho là chủ nợ lớn nhất của FLC như STB, BID cũng tăng điểm trong phiên sáng nay.
Trong phiên hôm qua (28/3), tin đồn liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC đã khiến nhóm cổ phiếu FLC bị bán tháo đã gây tâm lý tiêu cực lên cả thị trường, nhất là các mã vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao.
Ngay sau khi tin tức ông Trịnh Văn Quyết bị tạm cấm xuất cảnh 1 tháng được một số báo đăng tải cuối phiên sáng, thị trường càng tiêu cực hơn trong phiên chiều. Lực bán mạnh lan rộng sau giờ nghỉ trưa khiến VN-Index giảm hơn 25 điểm. Nhưng lực cầu mạnh đã giúp thị trường dần thu hẹp biên độ đóng cửa trên 1.480 điểm.
Dù số mã giảm chiếm thế ảp đảo (315 mã giảm so với 142 mã tăng) và VN-Index giảm hơn 25 điểm, nhưng dòng tiền hoạt đông mạnh và số mã giảm sàn chưa tới 20 mã, ít hơn so với số mã tăng trần cho thấy, tâm lý nhà đầu tư đã vững vàng hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Hoạt động bán tháo không xảy ra trên diện rộng, thậm chí ngoại trừ nhóm FLC và một số mã bất động sản có tính đầu cơ cao hoặc có các câu chuyện riêng như HQC, HAR, LDG, NBB..., nhiều cổ phiếu khác khi giảm mạnh đều có lực cầu tốt.
Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến ngành ngân hàng, có ít nhất hai ngân hàng đã dừng giải ngân trong lĩnh vực cho vay bất động sản là Sacombank và Techcombank. Tuy nhiên, TCB và STB cùng hàng loạt mã ngân hàng, bất động sản đồng loạt tăng giá trong phiên sáng.
Cụ thể, BID tăng 0,5% lên 41.800 đồng/cp; STB tăng 1,1% lên 32.150 đồng/cp, VPB tăng 0,3% lên 36.350 đồng/cp; TPB tăng 2.7% lên 40.450 đồng/cp; MBB tăng 0,3% lên 31.600 đồng/cp, CTG tăng 0,8% lên 32.050 đồng/cp;…
Các mã ngành bất động sản như: KDH tăng 0,6% lên 53.200 đồng/cp; VIC tăng 0,1% lên 80.600 đồng/cp. Ngược lại, PDR giảm 0,6% còn 92.100 đồng/cp; NVL giảm 0,4% còn 82.200 đồng/cp;…
Hiền Anh
Cổ phiếu “họ” FLC tranh nhau bán sàn, ông Trịnh Văn Quyết mất hơn 200 tỷ đồng trong buổi sáng
Tính riêng trong phiên buổi sáng nay 28/3, tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đã bị thổi bay 234 tỷ đồng từ việc các mã cổ phiếu trên giảm sàn. Hiện giá trị tài sản của ông Quyết tại FLC, ROS, GAB, ART còn 4.555 tỷ đồng.