Theo chân "đội săn mìn" ở Quảng Bình
Nhân viên MAG tích cực ra phá bom mìn tại huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. |
Theo chân đội “săn mìn”
Từ sáng sớm, chúng tôi theo chân các nhân viên liên lạc cộng đồng xuống các thôn xóm của xã Tân Định, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Nơi đây, là có bãi biển Hải Ninh êm đẹp nhưng thời chiến tranh là mặt trận pháo bảo vệ bờ biển, ngay dưới lòng đất hiện chứa hàng vạn vật liệu nổ. Nguyên tắc làm việc của MAG là bám sát thông tin từ người dân. Vì vậy, đội ngũ nhân viên liên lạc cộng đồng hoạt động toàn bộ thời gian ở cơ sở, bám sát dân, ăn ở với bà con để tìm kiếm vật liệu nổ.
Nhân viên của MAG sử dụng thiết bị rò tìm vật liệu chưa nổ |
Theo anh Trần Văn Phụng, Đội trưởng đội Liên lạc cộng đồng, mức độ ưu tiên nhất của MAG là nhận được thông tin nhìn thấy hoặc trong quá khứ có nhìn thấy vật liệu nổ tại khu vực thì nhân viên liên lạc đến xác định vị trí và báo lại cho đội kỹ thuật xử lý ngay, mức độ ưu tiên sau là khu vực xây dựng các công trình công cộng như trường học, nhà văn hóa, trụ sở các cơ quan...mức độ ưu tiên sau cùng là những cánh đồng, nương rẫy người dân chuẩn bị trồng cấy cây ngắn ngày như lúa, dài ngày như cao su, những khu vực này chủ yếu lấy từ người dân thông qua các nhân viên liên lạc cộng đồng.
Chúng tôi di chuyển sang xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, đây là huyện nằm xa bờ biển, có nhiều đồi núi thấp, trong chiến tranh cũng là mặt trận pháo binh của Quảng Bình. Gần trưa, đội kỹ thuật "săn mìn" đang họp và đánh giá việc rà phá vật liệu nổ tại một mảng đất khoảng 3600m2, trồng cây cao su của dân. Anh Trần Xuân Thắng, điều phối viên hoạt động kỹ thuật của MAG đã có mặt. Thắng là người có 10 năm kinh nghiệm với công tác rà phá bom mìn của tổ chức, anh đã từng là bộ đội quân giới nên không xa lạ với công việc hiện tại. Theo đội kỹ thuật, khu vườn này hiện xác định được 97 vật liệu nổ nguy hiểm nằm ngay dưới lòng đất chỉ chưa đầy 1 gang tay, phần lớn là đạn và bom bi. Đây được xác định là nhiệm vụ khẩn nên các nhân viên huy động tất cả các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất, nhân viên chuyên nghiệp vừa rà soát, vừa đào bới, khoanh vùng, đánh dấu và di chuyển bom đạn lên đồi và tiến hành hủy.
Cán bộ của MAG chỉ nơi phát hiện và đào lên 1 quả đạn pháo chưa nổ |
Kích nổ tiêu hủy bom mìn tìm thấy |
Theo anh Thắng, nếu lượng bom đạn không nhiều, đội sẽ tiến hành di chuyển lên khu đất an toàn, xa người dân để hủy, nếu số lượng lớn sẽ tập trung mang về khu vực của Bộ đội công binh tỉnh, phối hợp hủy. Mới đây, ngày 10/11, MAG đã tiến hành hủy 1000 vật liệu nổ. Theo quy định, việc hủy bom đạn phải được thông báo cho nhân dân trong khu vực và Xã đội, Phường đội và chỉ tiến hành sau 12g trưa để đảm bảo an toàn. Trong số 97 vật liệu nổ, trưa nay đội di chuyển được 4 vật liệu nổ lên đồi.
Đúng 12g trưa, một tiếng nổ vang trời, kết thúc một chu trình tìm kiếm, rà phá của MAG, mang lại tiếng cười thư thái cho người dân nơi đây.
Đánh giá về hoạt động của tổ chức MAG, bà Đỗ Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình, đơn vị quản lý các dự án phi chính phủ cho rằng: “MAG là tổ chức phi chính phủ hoạt động hiệu quả, có số tiền giải ngân lớn nhất trong số hơn 20 tổ chức phi chính phủ tại địa phương, MAG cam kết số tiền giải ngân lên đến hơn 1,8 triệu đô la Mỹ trong năm qua. Với hoạt động của mình, MAG đã thông tin được đến nhiều người dân cảnh giác với vật liệu chưa nổ, đồng thời hỗ trợ tỉnh Quảng Bình trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, tạo cho người dân cuộc sống an toàn hơn, hỗ trợ cho sự phát triển xã hội của địa phương”.
Hạn chế tối đa mất mát
Ông Sean Wetherill, Giám đốc điều hành kỹ thuật của MAG tại Quảng Bình cho rằng: Trong vùng dự án của MAG là ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình thì tỉnh Quảng Bình là một trong những địa bàn còn tồn dư nhiều bom mìn nhất. Vật liệu nổ chủ yếu là bom bi, đạn pháo, lẩn khuất dưới lòng đất và tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển như Quảng Ninh, Lệ Thủy, các huyện miền núi như Tuyên Hóa, Bố Trạch... Qua 14 năm triển khai việc rà phá bom mìn trên đất Quảng Bình, MAG đã rà phá bom mìn lên tới gần 2 triệu m2 đất đai. Số vật liệu nổ đã được xử lý là gần 73.000 vật. Tuy nhiên số tàn dư vật liệu nổ sau chiến tranh vẫn còn rất lớn và thường gây ra những hậu quả rất thương tâm.
MAG là tổ chức phi chính phủ của Anh chuyên rà phá bom mìn, ban đầu dự án thực hiện tại tỉnh Quảng Trị, nơi vật liệu nổ tàn dư nhiều nhất các tỉnh Miền Trung. Năm 2002, MAG mở rộng phạm vi hỗ trợ sang tỉnh Quảng Bình và tới năm 2012 mở rộng sang Quảng Nam. Tính đến nay MAG đã giúp Việt Nam rà phá hơn 190 ngàn vật liệu chưa nổ, hơn 2500 quả mìn, gần 8 triệu m2 đất được giải phóng khỏi bom mìn. MAG đã triển khai công việc tại gần 2000 thôn, hơn 2 triệu người được hưởng lợi từ những kết quả nhân đạo nó, tạo điều kiện cho trẻ em yên tâm đến trường, bà con yên tâm canh tác trên cánh đồng, nương rẫy của mình.
Theo ông Sean Wetherill, để có được thành công đó là do MAG có đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên nghiệp cao, được đào tạo và làm việc theo quy trình chính quy, chuyên nghiệp. MAG coi trọng hiệu quả công tác, trang bị đầy đủ các loại bảo hộ như mũ, áo, găng tay, giày cho nhân viên. Thiết bị thăm dò, xử lý bom mìn cũng được MAG đầu tư rất chính quy, hiện đại. Đặc biệt, gần đây được phép trang bị thiết bị định vị GPS, cho phép nhân viên định vị được vị trí có vật liệu nổ khả nghi, giúp quá trình đánh giá, xử lý được chính xác hơn, rút ngắn thời gian rà phá để có điều kiện mở rộng phạm vi hoạt động hơn.