Thêm bằng chứng cúm H7N9 có khả năng lây từ người sang người
Công nhân làm việc trong xưởng giết mổ gia cầm tại Đài Loan |
Tạp chí Science xuất bản hôm 23/5 đã cho đăng tải kết quả nghiên cứu mới nhất về loại virus H7N9 xuất hiện lần đầu tiên trên người tại Trung Quốc hồi cuối tháng 3, khiến hơn 130 người nhiễm bệnh và hơn 30 người tử vọng tại Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
Các nhà khoa học đã chọn chồn sương – loài động vật thường được sử dụng trong nghiên cứu khả năng lây lan của căn bệnh cúm trên người, để nghiên cứu. Trong đó, các chuyên gia Trung Quốc, Canada và Mỹ đã phát hiện virus H7N9 có thể lây truyền trong cộng đồng loài chồn sương, đồng nghĩa với việc virus này có khả năng lây từ người sang người.
"Trong những điều kiện thích hợp, khả năng lây lan từ người sang người của virus H7N9 hoàn toàn có thể xảy ra", nhóm nhà khoa học cho biết.
Tuy nhiên, virus H7N9 chỉ có thể lây lan trong cộng đồng loài chồn sương khi chúng bị nhốt chung một chuồng và tiếp xúc trực tiếp với nhau. Virus này không thể lây lan dễ dàng khi chồn sương bị nhốt khác chuồng hay không tiếp xúc cũng như hít phải nước mũi của nhau.
"Chúng tôi cho rằng con đường lây lan của virus H7N9 trên loài chồn sương tương tự trên người", chuyên gia virus tại Bệnh viện Nhi St. Jude tại thành phố Memphis, bang Tennessee, Mỹ - Richard Webby nhận định.
Theo ông Webby, virus H7N9 vẫn luôn biến đổi theo thời gian và khả năng trở thành dạng virus dễ dàng lây từ người sang người trong thời gian tới.
Trước đó, các quan chức y tế khẳng định phần lớn các ca nhiễm cúm H7N9 trên người là do tiếp xúc với gia cầm và virus này cũng không thể lây lan từ người sang người.
Tuy nhiên, khi người bệnh nhiễm cúm H7N9, các nhân viên y tế không thể biết chính xác độ mẫn cảm của bệnh nhân thông qua tình hình sức khỏe, phản ứng hệ miễn dịch cũng như nhiều yếu tố bên ngoài khác. Bằng phương pháp thử nghiệm trên loài chồn sương, các nhà nghiên cứu đã có thể kiểm soát khả năng đột biến của virus cũng như làm sáng tỏ con đường truyền bệnh của virus.
Nhóm nghiên cứu của ông Webby còn tiến hành thí nghiệm trên lợn nhằm làm rõ vai trò của các loài động vật trong quá trình ủ virus trong tự nhiên. Kết quả cho thấy virus H7N9 không lây lan dễ dàng trên lợn, do đó, "lợn được loại khỏi danh sách nguồn lây bệnh cúm gia cầm H7N9 trong thời điểm hiện tại".
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chưa có ca nhiễm cúm gia cầm H7N9 mới nào được ghi nhận từ ngày 8 – 17/5. Ông Webby cho rằng các ca nhiễm bệnh đang có xu hướng "giảm" là do những khu chợ buôn bán gia cầm sống đã bị đóng cửa tại Trung Quốc và hiện tại đang là mùa hè nên dịch bệnh tạm lắng xuống.
Các nhà khoa học cho rằng trong tương lai, khi các khu chợ buôn bán gia cầm tái hoạt động, chính quyền tại những vùng từng hứng chịu dịch cúm, cần phải đưa ra phương pháp quản lý chặt chẽ để ngăn chặn virus lây lan bùng phát thành đại dịch.