The Nation: Brexit sẽ giúp Nga và NATO tránh được chiến tranh
Nhận định trên được bà Christine van den Heyvel, Tổng Biên tập tạp chí The Nation đưa ra trong một bài viết gửi cho The Washington Post.
The Nation: Brexit sẽ giúp Nga và NATO tránh được chiến tranh |
Theo bà Christine van den Heyvel, kết quả gây sốc tại cuộc trưng cầu dân ý ở Anh đã làm giới lãnh đạo hai bờ Đại Tây Dương thấy rõ một thực tế: trong một thời gian khá dài, lãnh đạo EU đã không thể đảm bảo được sự phồn vinh chung của khối, đã quá coi thường nhu cầu của đa số chung mà chỉ hành động vì lợi ích của một số ít quốc gia vốn đã quá thành công.
“Cuộc trưng cầu dân ý ở Anh đã buộc Mỹ và EU phải xem xét lại kỹ lưỡng chính sách của mình liên quan đến việc siết chặt tiết kiệm, chính sách nhập cư và cả chính sách đối ngoại”- Christine van den Heyvel viết.
Theo quan điểm của bà Christine van den Heyvel, chính sách của NATO trong quan hệ với Nga cũng cần phải được đánh giá, xem xét lại. Những chính sách được NATO áp dụng thời gian qua trong quan hệ với Nga là một sự “khởi đầu nguy hiểm” cho một cuộc chiến tranh Lạnh mới.
Đề cập đến mối nguy hiểm khi xảy ra xung đột giữa Nga và NATO, bà Christine van den Heyvel đã trích dẫn lời của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Wiliam Pery khi cho rằng hiểm họa sử dụng vũ khí hạt nhân trong giai đoạn hiện nay cao hơn nhiều so với thời chiến tranh Lạnh giữa hai bên.
Nhà báo này cũng nhận định rằng trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Nga với Mỹ đã xấu đi đáng kể. Trong khi đó, giới truyền thông phương Tây lại khởi động cuộc chiến tranh thông tin chống Nga khi luôn rêu rao rằng Nga là “kẻ xâm lược duy nhất”, trong khi đó lại không có bất cứ đề cập nào đến vai trò của EU và Mỹ trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine và làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ hai bên.
Để dẫn chứng cho nhận định của mình, bà Christine van den Heyvel đã nêu ra một vài động thái cụ thể của Mỹ và các đồng minh trong NATO trong một vài năm trở lại đây như: áp dụng các lệnh cấm vận chống Nga, triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở Romania, gia tăng đáng kể quân số và vũ khí ở các khu vực sát với biên giới nước Nga và bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận một cách thường xuyên hơn, ví dụ như cuộc tập trận gần đây nhất là “Ankonda-2016” có sự tham gia của hơn 30 nghìn quân.
Theo Christine van den Heyvel, chính những động thái trên của NATO khiến những phản ứng của Nga trở nên dễ hiểu. Do đó, rủi ro có thể nảy sinh các sự vụ đối đầu giữa Nga và NATO sẽ trở nên cao hơn.
Đáng chú ý, các lực lượng của NATO đã không hiện diện gần biên giới từ thời Thế chiến lần 2. Ngoài các động thái mang tính chất thù địch với Nga như ở trên, nhiều khả năng Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp tới tại Warsaw trong tháng 7 tới có thể sẽ lại thông qua những chính sách thù địch hơn đối với Nga.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ vẫn tiếp tục căng thẳng. Theo Christine van den Heyvel, chính quyền Đức và Pháp hoặc là không thể, hoặc là không muốn ép Ukraine tuân thủ “Thỏa thuận Minsk” vì nếu thỏa thuận này được thực thi, chiến tranh ở Ukraine sẽ có thể kết thúc.
“Nếu như Ukraine muốn có cơ hội nào đó để khôi phục đất nước thì điều cần thiết là Ukraine phải nhận được sự ủng hộ của cả Nga và phương Tây”- Christine van den Heyvel nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin (bên phải). |
Về hợp tác Nga-Mỹ trong vấn đề Syria, hiện Mỹ vẫn từ chối hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS ở khá nhiều nội dung. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang tiếp tục cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở Syria với hy vọng sẽ lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
“Brexit ít nhất sẽ buộc EU và Anh phải tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ và điều này có thể sẽ dẫn đến những thay đổi của EU trong chính sách hiện nay”- Christine van den Heyvel đánh giá.
Hiện đang xuất hiện ngày càng nhiều mâu thuẫn trong nội bộ EU về các lệnh cấm vận chống Nga. Italia và Pháp là điển hình cho những nước không hài lòng với các lệnh cấm vận chống Nga.
Về vấn đề này, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã không ít lần bày tỏ sự không hài lòng với các cuộc tập trận của NATO gần biên giới với nước Nga, khẳng định NATO không cần thiết phải tiếp tục gây ra căng thẳng tình hình như hiện nay.
Trong khi đó, Mỹ và NATO cũng có nhiều lý do để hợp tác với Nga: chỉ có những nỗ lực chung mới có thể chiến thắng trước IS, thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình ở Syria và khôi phục các cuộc đàm phán về giải giáp vũ khí hạt nhân.
“Như một sự thật trớ trêu, những lá phiếu Brexit có thể sẽ khiến EU giảm bớt chính sách thắt chặt tiết kiệm, tạo bước tiến cho giải quyết xung đột ở Syria thông qua việc buộc NATO phải xem xét lại chính sách trong quan hệ với Nga. Nếu như tất cả diễn ra theo kịch bản này thì cử tri Anh, dù muốn hay không, sẽ có công rất lớn trong vấn đề này”- Christine van den Heyvel kết luận.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn từ The Nation.