Triều Tiên 'tụt hạng' trong danh sách ưu tiên của Tổng thống Biden
Thay vì tập trung vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên, chính quyền của Tổng thống Biden hiện ưu tiên nhiều chủ đề khác.
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên hiện không còn là mối ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thay vào đó, ông Biden hiện tập trung vào những nỗ lực chấm dứt sự kiểm soát của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, mối quan hệ ở eo biển Đài Loan và nhiều vấn đề khác.
Trong hoàn cảnh, Washington có những dấu hiệu muốn duy trì tình trạng hiện thời với chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un do những năm gần đây Bình Nhưỡng đã hạn chế các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng thử tên lửa tầm xa, vấn đề Triều Tiên được xem không còn là mối lo ngại.
Vấn đề hạt nhân Triều Tiên không còn là ưu tiên hàng đầu trong chương trinh nghị sự của Tổng thống Biden. (Ảnh minh họa) |
Hồi tháng Tư, sau nhiều tháng đánh giá về chính sách đối ngoại với Triều Tiên, chính quyền của Tổng thống Biden đã đưa ra phương thức tiếp cận mới là gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo thông qua con đường ngoại giao, nhưng không tìm cách “mặc cả” với Chủ tịch Kim Jong-un.
Tuy nhiên, việc Triều Tiên không có phản hồi trước những lời đề nghị nối lại đàm phán từ phía Mỹ, và Washington cũng từ chối những yêu cầu mà Bình Nhưỡng đưa ra để hai bên trở lại đối thoại đã khiến các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên rơi vào tình trạng dậm chân tại chỗ.
Hôm 17/12, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan thừa nhận Mỹ “không còn níu kéo ngoại giao với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân trong năm nay”.
"Vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã ở mức thấp trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden, bởi chính quyền của ông Kim vẫn không đưa ra hồi đáp sau những lời kêu gọi từ phía Mỹ về chuyện trở lại bàn đàm phán”, Korea Times dẫn lời ông Shin Beom-chul, Giám đốc Trung tâm Ngoại giao và An ninh thuộc Viện Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc.
Cũng theo ông Shin, “cách duy nhất để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán là Mỹ chịu nhượng bộ trước Triều Tiên, nhưng chuyện này dường như không phải là quan điểm hiện thời của Mỹ”.
Trong khi đó, Mỹ nhiều lần nhấn mạnh không có chính sách thù địch chống lại Triều Tiên và Washington sẵn sàng nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng mà không đưa ra bất cứ điều kiện trước nào.
“Vì những lý do trên, vấn đề Triều Tiên đã bị đẩy lùi xuống dưới trong danh sách ưu tiên”, ông Shin nói thêm.
Một minh chứng khác cho thấy Triều Tiên đã bị "tụt hạng" trong danh sách ưu tiên của Mỹ là tới ngày 10/12, chính quyền của Tổng thống Biden mới lần đầu tiên ban hành lệnh trừng phạt với Triều Tiên.
Hồi tháng Chín tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất đưa ra tuyên bố chấm dứt Chiến tranh liên Triều (1950 – 1953). Sau đó, Seoul và Washington cũng đã tiến hành thảo luận về vấn đề này, khi tin rằng đề xuất sẽ giúp các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ giữa Washington và Bình Nhưỡng nhanh chóng được nối lại.
Song tình hình hiện nay lại cho thấy đề xuất chấm dứt chiến tranh liên Triều dường như sẽ không phát huy tác dụng. Cuộc chiến liên Triều kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn và trên danh nghĩa Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
“Vấn đề chấm dứt tình trạng chiến tranh có thể đạt được đột phá, một khi Mỹ - Triều nối lại đối thoại bởi đây là cơ hội hai bên trao đổi về những mong muốn. Song dường như ở thời điểm hiện tại sẽ không có bước tiến nào”, ông Shi kết luận.
Giữa lúc vấn đề Triều Tiên không có biến chuyển, Mỹ đang vận động các nước đồng minh và đối tác thân thiết có hành động chuyển chuỗi cung ứng tránh xa Trung Quốc bao gồm ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này được thể hiện rõ nét qua tuyên bố hồi tuần trước của một quan chức cấp cao Mỹ.
“Nguồn cung chất bán dẫn thiếu hụt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã đưa Hàn Quốc tới vai trò nhà lãnh đạo và một đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn trên toàn cầu. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Hàn Quốc có thể cung ứng nhiều hơn cho kinh tế toàn cầu”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách phát triển năng lượng, tăng trưởng kinh tế và môi trường Jose W. Fernandez phát biểu trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-moon ở Seoul hôm 17/12.
Trong thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ - Hàn đã đồng thuận tăng cường hợp tác, đảm bảo chuỗi cung ứng các mặt hàng quan trọng như chất bán dẫn, pin xe điện, các sản phẩm y tế và khoáng sản thiết yếu.
Trong một diễn biến khác, hôm 21/12, Đại tá Kim Jun-rak, phát ngôn viên Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS), cho hay quân đội Triều Tiên đang triển khai đợt tập trận mùa đông. Mỹ - Hàn cũng đang giám sát chặt chẽ mọi động thái của quân đội Triều Tiên.
Triều Tiên thường tiến hành huấn luyện quân sự vào tháng 12 và kéo dài tới đầu mùa xuân năm sau với các cuộc diễn tập bắn pháo.
Trong khi đó, trang 38 North đưa tin hồi tuần trước Triều Tiên đã đưa một tàu ngầm lớp Sinpo vào ụ cạn ở xưởng đóng tàu tại thành phố Sinpo. Khả năng con tàu này được đưa đi sửa chữa hoặc bảo dưỡng. Tàu ngầm Sinpo được cho có khả năng phóng loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới mà Triều Tiên từng phóng thử nghiệm hồi tháng 10.
Còn vào ngày 18/12, Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố của nhóm G7 kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ toàn bộ các loại vũ khí bị cấm phát triển và tránh xa các hành động mang tính khiêu khích.
Nhóm G7 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Italy và Nhật đã cùng hối thúc Triều Tiên “tham gia vào tiến trình ngoại giao với mục tiêu rõ ràng là từ bỏ hoàn toàn” tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình tên lửa đạn đạo bị cấm theo nghị quyết của LHQ.
Tuy nhiên, bài báo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Triều Tiên lại cáo buộc “tuyên bố trên cho thấy sự vi phạm chủ quyền táo tợn khi phủ nhận các quyền tiến hành diễn tập của một quốc gia có chủ quyền, cùng sự can thiệp từ bên ngoài và là hành động khiêu khích không thể tha thứ”.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh, “thay vì xúi giục mất lòng tin và đối đầu, G7 nên tập trung nhiều hơn vào sứ mệnh chính là giải quyết các vấn đề kinh tế”.
Ba nhà lãnh đạo thế giới được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng năm 2021
Trong danh sách 3 nhà lãnh đạo thế giới được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng năm 2021, ông Kim Jong-un đứng thứ 3.
Minh Thu (lược dịch)