Top 10 thành phố có chi phí sống đắt đỏ nhất trên thế giới với người nước ngoài
Trong Top 10 thành phố có chi phí sống đắt đỏ nhất trên thế giới với người nước ngoài tới làm việc, châu Á chiếm 4 vị trí.
Theo Cuộc khảo sát về chi phí sống của Mercer, một công ty tư vấn tại Mỹ, đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc đã quay trở lại là thành phố có chi phí sống đắt đỏ nhất trên thế giới đối với người nước ngoài tới làm việc.
Trước đó, vào năm 2021, vị trí số 1 trong danh sách này thuộc về thủ đô Ashgabat của Turkmenistan. Đáng nói, Hong Kong từng 3 năm liên tiếp đứng ở vị trí thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới đối với người nước ngoài tới làm việc cho tới năm 2020.
Hong Kong xếp vị trí số 1 trong danh sách các thành phố có chi phí sống đắt đỏ nhất trên thế giới với người nước ngoài. (Ảnh: SCMP) |
Kyodo đưa tin, các thành phố ở châu á chiếm 4 vị trí trong danh sách Top 10 địa điểm có chi phí sống đắt nhất thế giới với người người nước. Cụ thể, ngoài Hong Kong đứng ở vị trí thứ 1, Singapore, Tokyo và Bắc Kinh lần lượt xếp vị trí thứ 8, 9, và 10.
Thành phố Tokyo của Nhật Bản từng đứng ở vị trí thứ 9 trong danh sách các thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới đối với người nước ngoài tới làm việc vào năm 2022. Trước đó, vào năm 2019, Nhật Bản xếp ở vị trí thứ 3. Nguyên nhân lý giải cho sự tụt hạng này là do sự suy yếu của đồng yen so với USD và các đồng tiền mạnh khác.
Cuộc khảo sát của Mercer được công bố giữa lúc tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu đã kéo sang năm thứ 3, cùng hậu quả của cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine, tỷ giá hối đoái thay đổi, và việc giá cả tăng cao đang tạo sức ép lớn đối với hoạt động chi tiêu và tiết kiệm của người dân thế giới.
Trong cuộc khảo sát riêng về Top 10 thành phố có chi phí sống đắt đỏ nhất ở châu Á đối với người nước ngoài, các thành phố của Trung Quốc chiếm 6 vị trí. Theo khảo sát của Mercer, việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bị rớt giá đã khiến chi phí sống ở đất nước này trở nên đắt đỏ hơn.
Ông Tracey Ma, lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mercer, cho biết giá cả tăng cao và đồng tiền mạnh ở những nơi khác trong khu vực "tiếp tục đẩy châu Á trở thành một trong những khu vực đắt đỏ nhất đối với người lao động ở nước ngoài tới sống và làm việc".
Hồi tuần trước, đồng yen của Nhật Bản đã giảm xuống mức 139 yen đổi lấy 1 USD. Đây là mức thấp nhất trong 24 năm qua.
Trong danh sách Top 10 thành phố có chi phí sống đắt đỏ nhất trên thế giới đối với người nước ngoài, các thành phố của Thụy Sĩ là Zurich, Geneva, Basel và Bern chiếm vị trí lần lượt từ 2 – 5 và là đại diện duy nhất của châu Âu nằm trong nhóm này. Còn thành phố Tel Aviv và New York đứng ở vị trí lần lượt là 6 và 7.
Thành phố New York của Mỹ trở lại trong danh sách Top 10 thành phố đắt đỏ nhất với người nước ngoài sau khi tụt từ vị trí số 6 xuống 14 trong cuộc khảo sát vào năm 2021. Trong khi đó, thành phố Thượng Hải của Trung Quốc từng xếp vị trí thứ 6 vào năm 2021, nhưng đã bị loại khỏi Top 10 để đứng ở vị trí thứ 12 trong cuộc khảo sát năm nay.
Cuộc khảo sát thường niên của công ty tư vấn Mercer được tiến hành đối với 227 thành phố dựa trên đánh giá về giá cả của hơn 200 hạng mục gồm nhà ở, giao thông, thực phẩm và giải trí. Ngoài ra, thành phố New York được sử dụng làm cơ sở để so sánh, và biến động của các đồng tiền được so với đồng USD.
Con đi du học, phụ huynh 'thắt lưng buộc bụng' vì đồng tiền mất giá
Lạm phát gia tăng kèm theo đồng tiền trượt giá khiến nhiều phụ huynh ở Hàn Quốc có con du học nước ngoài rơi vào cảnh khó khăn tài chính.
Dân văn phòng vào cửa hàng tiện lợi ăn trưa thay vì nhà hàng để chống 'bão giá'
Đối mặt với giá cả tăng chóng mặt, nhiều nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc chọn cách vào cửa hàng tiện lợi ăn trưa, thay vì tụ tập bạn bè ở nhà hàng.
Minh Thu (lược dịch)