Tình hình Syria: Mỹ vẫn ngáng đường quân đội Nga, lệnh trừng phạt 'làm khó' Syria
Mỹ tiếp tục ngáng đường phái đoàn quân sự Nga; Lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Syria gặp khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh là những diễn biến mới nhất của tình hình Syria.
Syria khó đối phó với dịch bệnh vì lệnh trừng phạt của Mỹ
Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc, ông Bashar al-Jaafari nhấn mạnh, “chính phủ Mỹ không chỉ hỗ trợ cho các tay súng khủng bố hoạt động ở Syria mà còn ở nhiều quốc gia khác, đồng thời thi hành chính sách khủng bố kinh tế, chính trị và y tế để đạt được mục đích cá nhân".
Lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ khiến Syria gặp khó khăn trong công tác chống dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters) |
“Các biện pháp ép buộc kinh tế đơn phương khiến Syria không thể đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của người dân và đối phó với dịch Covid-19”, hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) dẫn lời đại sứ al-Jaafari phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến thảo luận về các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ cũng như tác động của những lệnh trừng phạt này tới các quốc gia và người dân đang phải đối mặt với dịch Covid-19.
Theo ông al-Jaafari, lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ tiếp tục gây ảnh hưởng tới lĩnh vực y tế công cộng và tư nhân ở Syria do không thể nhập khẩu thuốc men và trang thiết bị y tế. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang tác động xấu tới lĩnh vực ngân hàng của Syria đặc biệt là hoạt động giao dịch với các ngân hàng quốc tế, đồng thời ảnh hưởng tới năng lực làm việc của các ngành kinh tế mũi nhọn tại quốc gia Trung Đông như năng lượng, ngân hàng, công nghiệp, giao thông vận tải, truyền thông và thương mại.
Bên cạnh đó, ông al-Jaafari cũng bác bỏ những tuyên bố gần đây của Mỹ về việc lệnh trừng phạt không ảnh hưởng tới hoạt động vận chuyển hàng hóa cứu trợ nhân đạo và các giao dịch thương mại liên quan tới hỗ trợ y tế và thực phẩm cho Syria.
“Những ngoại lệ của Mỹ đều xuất phát từ việc cân nhắc yếu tố chính trị và hoạt động cứu trợ nhân đạo chỉ tới được những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm khủng bố ở Syria”, ông al-Jaafari nói.
Theo ông al-Jaafari, Ngân hàng Trung ương Syria không thể tiếp cận được các khoản tài chính bị đóng băng ở nước ngoài trong nhiều năm qua để cung cấp tài chính cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu phục vụ nhu cầu cơ bản của người dân, do các ngân hàng quốc tế không trả lời yêu cầu của Ngân hàng trung ương Syria.
“Syria đã huy động toàn bộ nguồn nhân lực, y tế và dinh dưỡng để hỗ trợ cho người dân nhằm đối phó với dịch Covid-19. Song những nỗ lực này tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp cưỡng ép đơn phương”, ông al-Jaafari kết luận.
Mỹ tiếp tục ngáng đường Nga
Quân đội Mỹ tiếp tục cản đường phái đoàn quân sự Nga đi qua một chốt kiểm soát tại tỉnh Al-Hasakah hồi tuần trước.
Đoạn video được Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) công bố cho thấy, trong quá trình di chuyển dọc tuyến đường ở tỉnh Al-Hasakah, quân đội Nga đã bị quân đội Mỹ chặn đường.
Trong thời gian gần đây, quân đội Nga – Mỹ nhiều lần có hành động ngáng đường nhau trong khu vực các bên kiểm soát. Hành động này đẩy căng thẳng quân sự Nga – Mỹ lên cao và thậm chí có nguy cơ bùng nổ xung đột.
Mỹ tăng cường quân tới bãi khai thác dầu
Trong tuần này, một phái đoàn quân sự Mỹ được nhìn thấy di chuyển từ Iraq qua vòng xuyến Al-Walid để tiến vào phía đông bắc Syria.
Nguồn tin tại tỉnh Al-Hasakah cho hay, phái đoàn Mỹ gồm 5 xe quân sự đi từ tỉnh Nineveh ở Iraq để tới bãi khai thác dầu Al-Jibsa thuộc quận Al-Shaddadi của Syria.
Thậm chí, trước khi được điều động tới bãi khai thác dầu Al-Jibsa, quân đội Mỹ đã đi một vòng qua các bãi khai thác dầu khí ở Al-Kubaybah, Ghuna và Hawiziyah.
Không lâu sau sự xuất hiện của phái đoàn Mỹ, một máy bay chở hàng của Mỹ cũng đã hạ cánh xuống căn cứ Qasrak nằm gần thị trấn Tal Baydar ở phía bắc Al-Hasakah.
Hoạt động tăng cường quân mới nhất của quân đội Mỹ từ Iraq diễn ra trong bối cảnh, quân đội Nga cũng mở rộng sự hiện diện quân sự ở tỉnh Al-Hasakah.
Giới chuyên gia nhận định, quân đội Nga – Mỹ đang rơi vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh” quy mô nhỏ khi cả hai bên tăng cường mở rộng căn cứ quân sự ở phía đông Syria. Bên cạnh đó, cả quân đội Nga và Mỹ đều cho triển khai các hệ thống phòng không trong cùng khu vực. Cụ thể, hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ còn được đặt ngay ở khu vực biên giới giữa Iraq và Syria.
Minh Thu (tổng hợp)