Quốc gia phát triển có số phụ nữ trẻ tuổi bị suy dinh dưỡng đang gia tăng
Nhật Bản đang tìm cách đối phó với tình trạng phụ nữ trẻ ngoài 20 tuổi bị suy dinh dưỡng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Chính phủ Nhật Bản quyết định thành lập nhóm nghiên cứu để điều tra những vấn đề liên quan tới hình ảnh cơ thể, chế độ ăn uống và thói quen sống nhằm giảm thiểu số lượng phụ nữ trẻ tuổi có cân nặng dưới mức tiêu chuẩn đang ngày càng gia tăng.
Kyodo News đưa tin, trong thông báo hôm 4/7, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nhấn mạnh mục đích của nhóm nghiên cứu là tìm ra phương thức cải thiện nhận thức về tầm quan trọng của việc duy trì cân nặng bình thường. Trong đó, nhóm nghiên cứu sẽ chú trọng tới các nguy cơ từ chế độ ăn thiếu cân bằng và dư thừa, cũng như tình trạng thiếu cân có thể tiềm ẩn rủi ro đối với sức khỏe phụ nữ và tạo ra các mối nguy hiểm với trẻ sơ sinh.
Tỷ lệ phụ nữ ngoài 20 tuổi bị suy dinh dưỡng ở Nhật Bản cao hơn các nước phát triển khác. (Ảnh: Kyodo) |
Điều tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia năm 2019 của Nhật Bản cho thấy 20,7% tương đương khoảng 1/5 phụ nữ Nhật Bản trong độ tuổi ngoài 20 đã bị suy dinh dưỡng khi chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 18,5. Trong khi, 70,4% có BMI là từ 18,5 – 24,9 và được xem là cân nặng bình thường. Ngoài ra, 8,9% có chỉ số BMI trên 25.
Trước đó, kế hoạch y tế 10 năm của chính phủ Nhật Bản được triển khai vào năm 2013 nhằm đưa số phụ nữ ngoài 20 tuổi có chỉ số BMI ở mức suy dinh dưỡng dưới 20% đã gặp thất bại.
Việc giới hạn lượng thức ăn nạp vào cơ thể có thể dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng và các biểu hiện thiếu máu. Các chuyên gia y tế cũng cho biết vì mong muốn cơ thể trở nên mảnh mai, một số người còn rơi vào tình trạng chán ăn.
Đáng nói, những người mẹ bị suy dinh dưỡng có nguy cơ cao sinh con có cân nặng dưới 2,5 kg. Những đứa trẻ sinh thiếu cân thường dễ bị mắc các bệnh liên quan tới lối sống hơn trong giai đoạn trưởng thành như bệnh ung thư, bệnh tim và tiểu đường, theo các chuyên gia.
Bà Fumi Hayashi, phó giáo sư tại Đại học Dinh dưỡng Kagawa, nhận định chính truyền thông và một số nguyên nhân khác đã tạo ra “tiêu chuẩn xã hội sai lầm về việc gầy mới là lý tưởng”.
“Dù một số người lo ngại việc sở hữu cân nặng phù hợp sẽ khiến họ không thể tận hưởng những xu thế thời trang mới nhất, nhưng đổi lại cân nặng phù hợp có nhiều lợi thế như giúp bạn không dễ bị mệt mỏi. Điều quan trọng là xã hội cần thay đổi toàn bộ nhận thức”, bà Hayashi nói.
Mẹ suy dinh dưỡng, con sinh thiếu cân
Vào năm 2021, tờ Mainichi Shimbun đưa tin Nhật Bản đối mặt với xu hướng cân nặng của trẻ sơ sinh ngày càng sụt giảm làm tăng nguy cơ gây hại cho sức khỏe của trẻ mà nguyên nhân là do người mẹ không đạt cân nặng tiêu chuẩn trước khi mang thai.
Số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh ở Nhật Bản đã giảm kể từ cuối những năm 1970. Trẻ sơ sinh chào đời năm 1975 có cân nặng trung bình là 3.195 gram, nhưng tới năm 2019 là 3.005 gram.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân (LBW), tương đương mức cân nặng khi sinh dưới 2.500 gram, cũng đã tăng từ mức 5,1% năm 1975 lên gần 9,5% từ năm 2005.
Để khắc phục tình hình cân nặng phụ nữ trẻ tuổi dưới mức tiêu chuẩn BMI tại một nước phát triển như Nhật Bản, Hiệp hội Sản phụ khoa Nhật Bản (JSOG) quyết định ban hành những hướng dẫn mới về số cân nặng cần đạt được trước khi mang thai đối với phụ nữ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng trẻ sinh thiếu cân gia tăng xuất phát từ tình trạng số phụ nữ suy dinh dưỡng ở Nhật Bản đang ngày càng nhiều. Vào năm 2018, Nhật Bản có 19,8% phụ nữ ngoài 20 tuổi và 19,3% ngoài 30 tuổi bị liệt vào dạng suy dinh dưỡng. Điều này có nghĩa nhiều phụ nữ đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ có cân nặng dưới ngưỡng bình thường.
Theo hướng dẫn của JSOG, những phụ nữ có BMI dưới 18 trước thời kỳ mang thai nên tăng thêm 10 – 12 kg, những người có BMI từ 18 – 24 nên tăng 7 – 10 kg, và những người có BMI vượt 24 chỉ nên tăng 5 – 7 kg.
Bà Naho Morisaki, một chuyên gia nhận định "Những phụ nữ mang thai có cân nặng càng ít, họ có xu hướng duy trì cân nặng giảm hơn nữa do lo sợ thân hình phát tướng sau sinh con”.
Việc quản lý cân nặng cơ thể không chỉ giúp phụ nữ mang thai tránh được tình trạng bị quá gầy, và mà tránh được trường hợp phải mổ cấp cứu lấy thai vì người mẹ bị quá cân. Do phụ nữ Nhât Bản có xu hướng sinh con ở các phòng khám nhỏ, nơi hiếm khi thực hiện mổ lấy hai, nên điều quan trọng là ngăn chặn phụ nữ sắp mang thai tăng cân quá nhiều.
Ông Atsuo Itakura, đại diện của JSOG kiêm Giáo sư tại Đại học Juntendo, cũng nhấn mạnh “Cân nặng trẻ sơ sinh giảm gần 200 gram trong vòng 40 năm qua và chúng ta cần phải có biện pháp đối phó”.
Bởi nhiều điều tra dịch tễ học được tiến hành ở nước ngoài vào thập niên 80 và 90 cho thấy, những đứa trẻ sinh nhẹ cân có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, máu nhiễm mỡ và một số bệnh khác khi trưởng thành.
Cô dâu tự lái xe tới bệnh viện sinh con chỉ vài tiếng trước khi diễn ra lễ cưới
Chỉ vài tiếng trước khi diễn ra đám cưới, cô dâu bất ngờ bị vỡ ối và phải tự lái xe tới bệnh viện để sinh con.
Minh Thu (lược dịch)