Những điều chưa biết về tân nữ Thủ tướng Pháp
Điện Elysee hôm 16/5 thông báo Bộ trưởng Lao động Elisabeth Borne (61 tuổi) được bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp thay thế ông Jean Castex, người trước đó nộp đơn từ chức cho Tổng thống Emmanuel Macron.
Theo đó, bà Borne trở thành người phụ nữ thứ 2 trong lịch sử nước Pháp được bổ nhiệm vào vị trí này (năm 1991-1992 do bà Edith Cresson nắm giữ).
“Tôi dành đề cử này cho tất cả cô gái nhỏ ở Pháp, để nói với họ hãy theo đuổi ước mơ của mình”, tân Thủ tướng Elisabeth Borne phát biểu khi nhậm chức.
“Không điều gì có thể ngăn cản cuộc đấu tranh giành vị trí trong xã hội của phụ nữ chúng ta”, bà Borne nói thêm.
Tân Thủ tướng Pháp Elisabeth Bourne cho biết, một trong những ưu tiên của bà với tư cách là người đứng đầu chính phủ sẽ là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hạn chế lượng khí thải carbon và thúc đẩy chính sách môi trường.
Tân Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne. (Ảnh: Pool) |
Đồng thời, bà Bourne sẽ chịu trách nhiệm điều chỉnh giá năng lượng và đưa ra các biện pháp giải quyết mối lo ngại của cử tri trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Sau đó, bà sẽ được giao nhiệm vụ lãnh đạo kế hoạch tăng tuổi hưởng lương hưu từ 62 lên 64 hoặc 65 tuổi, vốn được cho là sẽ vấp phải sự phản đối từ công đoàn và nhiều người dân.
Đến nay, nam giới vẫn chiếm phần lớn vị trí trong chính phủ Pháp. Theo một cuộc thăm dò của Ifop vào cuối tuần trước, 74% người Pháp cho biết họ muốn có một nữ thủ tướng.
Sự nghiệp lớn
Bà Elisabeth Bourne sinh ngày 18/4/1961 tại Paris trong một gia đình làm chủ phòng thí nghiệm dược phẩm.
Năm 1981, bà tốt nghiệp trường Bách khoa Pháp (trường trung học chuyên đào tạo kỹ sư; Paris), năm 1986 bà tốt nghiệp trường Quốc gia Cầu đường (Paris), năm 1987 bà nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường Cao đẳng Kỹ sư Paris. Ngoài ra, bà có trình độ chuyên môn “kỹ sư tổng hợp”.
Năm 1987, bà đảm nhiệm vị trí công chức cấp cao của Bộ Giao thông và Thiết bị (sau này là Bộ Sinh thái và Phát triển bền vững, Bộ Sinh thái, Phát triển bền vững và Năng lượng, từ năm 2020 là Bộ Chuyển đổi sinh thái).
Từ năm 1991-1993, bà là cố vấn cho Bộ Giáo dục Quốc gia, do những người theo chủ nghĩa xã hội đứng đầu - đầu tiên là ông Lionel Jospin và sau đó là ông Jacques Lang.
Từ năm 1997-2002, bà là cố vấn kỹ thuật về các vấn đề giao thông trong văn phòng của cựu Thủ tướng Lionel Jospin.
Năm 2002, bà là Giám đốc Chiến lược của Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp (SNCF). Năm 2007, bà chuyển đến công ty xây dựng tư nhân Eiffage, nơi cô trở thành Giám đốc nhượng quyền.
Năm 2008-2013, bà làm việc tại Tòa thị chính Paris, phụ trách việc phát triển thành phố (lĩnh vực quy hoạch đô thị).
Trong năm 2013-2014, bà là tỉnh trưởng của vùng Poitou-Charentes ở miền tây nước Pháp (sáp nhập với các vùng Aquitaine và Limousin vào năm 2014, kể từ năm 2016 là một phần của vùng New-Aquitaine).
Năm 2014, bà là Tham mưu trưởng của Bộ trưởng Môi trường, Phát triển Bền vững và Năng lượng, Ségolène Royal.
Năm 2015-2017, bà đứng đầu Nhà điều hành Giao thông Thành phố Paris (RATP). Bà trở thành người phụ nữ thứ 2 giữ chức vụ này kể từ khi thành lập công ty vào năm 1949.
Ngoài ra, bà Bourne được trao tặng Huân chương Danh dự (hiệp sĩ vào năm 2013) và Huân chương Quốc gia (chỉ huy vào năm 2008, sĩ quan vào năm 2016).
Đảng phái chính trị
Từ lâu bà Bourne đã là người ủng hộ đảng xã hội chủ nghĩa - một trong những lực lượng chính trị hàng đầu của Pháp. Tuy nhiên, vào năm 2017, bà đã ủng hộ ứng cử viên Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp (được bầu vào ngày 7/5/2017) và tham gia phong trào của đảng “Cộng hoà Tiến bước” (được đổi tên thành “Phục hưng” vào tháng 5/2022).
Các vị trí đã nắm giữ
Từ năm 2017-2019, bà giữ chức Bộ trưởng Giao thông vận tải dưới thời Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái trong chính phủ của ông Edouard Philippe.
Trong năm 2019-2020, bà đứng đầu Bộ Chuyển đổi Sinh thái sau khi ông Francois de Rugy từ chức.
Kể từ ngày 6/7/2020, bà là Bộ trưởng Bộ Lao động trong nội các của cựu Thủ tướng Jean Castex.
Thanh Bình (lược dịch)
Những trở ngại đối với việc châu Âu ‘đoạn tuyệt’ dầu và khí đốt của Nga
Nhà phân tích tài chính Nikolai Podlevsky cho biết, Liên minh châu Âu (EU) không thể nhanh chóng từ bỏ dầu khí của Nga, điều này đặc biệt đúng đối với nhiều quốc gia ở Đông Âu.
Đức đề xuất hạn chế tốc độ trên đường cao tốc vì lý do không ngờ
Theo tờ Tagesschau, tại hội nghị các Bộ trưởng môi trường của các bang liên bang của Đức đã kêu gọi đưa ra các giới hạn tốc độ đối với xe ô tô đường cao tốc.