Nhật Bản đau đầu trước nạn gấu dữ tấn công người dân
Nhật Bản đau đầu trước vấn nạn gấu hoang dã đi vào khu vực dân sinh và tấn công con người nhất là trong năm nay do dịch bệnh hoành hành.
Vào sáng ngày 23/10, một nam nhân viên 56 tuổi làm việc cho Tập đoàn Đường sắt Tây Nhật Bản khi đang đi kiểm tra các toa tàu đã không may “chạm trán” một con gấu đen châu Á hay còn gọi là gấu ngựa ở nhà ga Tsuruga thuộc tỉnh Fukui. Người đàn ông này đã may mắn chạy thoát dù bị thương nhẹ sau cú cào của con gấu. Nhưng chỉ 10 phút sau, chính con gấu này đã làm gãy chân của một công nhân làm việc tại công trường xây dựng gần nhà ga Tsuruga.
Chỉ sau 4 ngày xảy ra vụ việc trên, một con gấu đực khác cũng đã đột nhập vào một trung tâm mua sắm 4 tầng ở tỉnh kế bên Ishikawa. Con gấu cao hơn 1,3 m đã ở lại trong nhà kho cửa hàng suốt 13 tiếng đồng hồ cho tới khi nó bị nhóm săn bắt địa phương bắn hạ.
Nhật Bản đau đầu trước nạn gấu dữ tiến vào khu vực dân sinh và tấn công người dân. (Ảnh minh họa) |
“Chúng tôi nhận được số lượng báo cáo về việc nhìn thấy gấu đi lang thang ở Kaga nhiều chưa từng có trong năm nay”, Bloomberg dẫn lời ông Yukio Yamagishi, Giám đốc Ban Ngư nghiệp, Lâm nghiệp và Nông nghiệp thành phố Kaga.
Theo thống kê, kể từ tháng 4 – 9 năm nay, người dân nhìn thấy gấu hoang trên khắp lãnh thổ Nhật Bản là 13.670 lần. Đây là con số kỷ lục phát hiện gấu ở nơi cư dân sinh sống trong vòng 6 tháng suốt 5 năm qua ở Nhật Bản. Tại nhiều khu vực phía bắc Nhật Bản, số vụ người dân nhìn thấy gấu còn ở mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Ông Shinsuke Koike, Phó Giáo sư tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo chia sẻ, có rất nhiều yếu tố khiến số lần gấu hoang được người dân nhìn thấy gia tăng nhanh.
Đầu tiên là sản lượng cây sồi mỗi năm khác nhau trong khi đây là nguồn thức ăn chính của gấu. Năm nay lại là năm sản lượng hạt sồi rất thấp, khiến gấu có xu hướng lại gần khu vực dân sinh để tìm kiếm thức ăn. Ngoài ra, khi người trẻ ở nông thôn di chuyển tới các thành phố lớn để làm việc và sinh sống, người già ở lại không có đủ sức khỏe để gia tăng năng suất cây ăn quả cũng khiến các loài động vật hoang dã bị đói.
Theo ông Koike, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân khiến gấu hoang dã thay đổi hành vi. Chính phủ Nhật Bản áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ tháng 4 – 5 khiến nhiều cửa hàng và nhà máy cắt giảm thời gian hoạt động, trong khi người dân được khuyến cáo chỉ ở trong nhà.
“Gấu sẽ mở rộng địa bàn hoạt động sau khi không nhìn thấy con người trong giai đoạn mùa xuân và đầu mùa hè”, ông Koike nhận định.
Trong một số trường hợp, gấu đã gây ra thiệt hại nặng nề cho tài sản của người dân. Điển hình, ông Yuki Tasei, một chủ trang trại trồng giống nho đắt tiền ở thành phố Takahata thuộc tỉnh Yamagata cho hay, gấu đã vào trang trại và ăn mất khoảng 40 kg nho vào tháng 10, gây thiệt hại tài chính là 100.000 yên (963 USD).
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi bị gấu tấn công”, ông Tasei nhấn mạnh.
Còn theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản, gấu là loài động vật gây tổn hại mùa vụ hàng năm từ trong giai đoạn từ năm 1999 – 2018 ở mức trung bình là 426,7 triệu USD. Vào năm 2019, tại Nhật Bản đã có 157 người bị gấu tấn công. Năm nay cũng đã có hàng chục vụ người bị gấu tấn công bao gồm 2 người tử vong.
Chưa hết, ngay cả dịch vụ giao thông vận tải của Nhật Bản cũng đang đối mặt ngày càng nhiều với các loài động vật hoang dã từ trên núi xuống.
Theo ông Shoriki Yamazaki, phát ngôn viên của Tập đoàn Đường sắt Tây Nhật Bản chi nhánh Kanazawa, nhiều vụ việc động vật hoang nhảy ngay ra trước mặt đoàn tàu đang chạy cũng xảy ra hàng năm. Số liệu thống kê cho thấy, 224 vụ tàu bị hoãn chạy trong vòng hơn 10 phút trong 6 năm gần đây liên quan tới các vụ va chạm với động vật hoang dã ở vùng Fukui.
Robot sói được chế tạo để xua đuổi gấu hoang dã ở Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg) |
Để ngăn chặn gấu lại gần khu vực dân sinh và tấn công con người, nhiều công ty địa phương đã nghiên cứu các giải pháp công nghệ. Trong đó, công ty Ohta Seiki đặt trụ sở ở Hokkaido đã phát minh ra cỗ máy mang tên “Sói quái vật”.
Cụ thể, những con robot mang hình dạng giống chó sói. Các robot sói sẽ tự động được kích hoạt khi phát hiện tiếng động. Sau đó, robot sói lắc đầu liên tục, phát ra tiếng gầm gừ và tiếng hú của chó sói để đe dọa, khiến gấu hoảng sợ và bỏ đi.
Sói hoang dã từng được xem là thiên địch trong tự nhiên của loài gấu ngựa. Tuy nhiên, nạn săn bắt quá mức đã khiến sói hoang dã tuyệt chủng một thế kỷ trước ở Nhật Bản.
Công ty Ohta Seiki cho biết, trong 3 năm qua, họ đã bán được khoảng 70 con sói robot cho những người nông dân để làm nhiệm vụ xua đuổi gấu.
Hàng xóm phá chuồng cọp, giải cứu gia đình 3 thế hệ khỏi đám cháy
Những người hàng xóm dũng cảm đã phá chuồng cọp để cứu gia đình 3 thế hệ bị mắc kẹt trong ngôi nhà cháy ở Philippines.
Minh Thu (lược dịch)