Quan hệ Nga - Trung 'đi ngược' với kỳ vọng của Mỹ
Trái với kỳ vọng của Mỹ, Nga - Trung ngày càng trở nên thân thiết khi hai quốc gia này xây dựng quan hệ trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị và quân sự.
Moscow và Bắc Kinh đã có thêm động thái củng cố quan hệ song phương khi nhà lãnh đạo hai nước cùng đồng thuận gia hạn hiệp ước hữu nghị 20 năm.
Hôm 28/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành cuộc họp trực tuyến. Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng, hai nhà lãnh đạo Nga – Trung tổ chức họp bàn. Trong cuộc họp, ông Putin và ông Tập đã đồng thuận gia hạn Hiệp ước Láng giềng tốt và Hợp tác Thân thiện.
Quan hệ Nga - Trung ngày càng trở nên thân thiết, đi ngược lại với mong đợi của Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Tân Hoa Xã đưa tin, ông Tập đã ca ngợi mối quan hệ Nga – Trung như “hình mẫu cho các mối quan hệ quốc tế kiểu mới” và đem đến “năng lượng tích cực” cho thế giới.
“Tôi tin rằng theo tinh thần của hiệp ước, dù có nhiều trở ngại và khó khăn tới đâu cũng sẽ vượt qua được trên con đường phía trước, Nga – Trung sẽ tiếp tục đoàn kết trong mọi nỗ lực và tiến về phía trước với sự quyết tâm”, ông Tập nói.
Ông Putin là người đã ký kết Hiệp ước Láng giềng tốt và Hợp tác Thân thiện với nhà lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân vào năm 2001. Theo đó, hai nước đồng thuận giải quyết các tranh chấp biên giới lịch sử và tiến hành hợp tác chiến lược trong nhiều lĩnh vực như quân sự và quốc phòng. Tuy nhiên, hiệp ước của Nga - Trung sẽ hết hạn vào tháng Bảy tới.
Về phần mình, Tổng thống Putin nhấn mạnh các mối quan hệ Nga – Trung đang ở “điểm cao nhất”, theo hãng tin TASS.
“Theo tinh thần và nội dung của hiệp ước, chúng tôi muốn đưa mối quan hệ Nga – Trung lên một tầm cao chưa từng có, biến nó thành hình mẫu hợp tác liên chính phủ trong thế kỷ 21”, ông Putin cho hay.
Hai nhà lãnh đạo Nga – Trung còn đưa ra tuyên bố chung phản đối “sự can thiệp vào chuyện nội bộ của các quốc gia khác dưới chiêu bài dân chủ và nhân quyền”, cũng như “các lệnh trừng phạt đơn phương” và cố tình “chính trị hóa” đại dịch Covid-19 và các sự kiện thể thao quốc tế. Tuyên bố chung của ông Putin và ông Tập được cho nhằm chỉ trích Mỹ.
Cuộc họp trực tuyến hôm 28/6 giữa ông Putin và ông Tập diễn ra sau sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu gặp mặt trực tiếp Tổng thống Nga Putin ở Geneva vào ngày 16/6. Hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đã đồng thuận đối thoại về kiểm soát vũ khí hạt nhân và đưa đại sứ hai nước trở lại làm việc ở thủ đô của nước còn lại. Song Nga - Mỹ vẫn chưa đạt được những cam kết cụ thể về nhiều vấn đề như an ninh mạng, Ukraine hay nhân quyền. Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Biden và ông Putin được cho là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm chia tách Moscow và Bắc Kinh.
Trong khi đó, theo hiệp ước được ký kết năm 2001, Nga – Trung đã cho thiết lập hàng loạt cơ chế hợp tác chiến lược và cùng triển khai nhiều dự án. Đặc biệt trong những năm gần đây khi quan hệ với Mỹ ngày càng xuống dốc, Nga – Trung không ngừng đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương.
“Nếu như Mỹ tiếp tục thi hành chính sách nhằm kiềm chế cả Nga – Trung, sẽ không có bất cứ giới hạn nào có thể ngăn cản mối quan hệ Nga – Trung phát triển càng thân thiết trong tương lai”, ông Artyom Lukin, Phó Giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông Nga nhận định.
Ông Danil Bochkov, chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, cho rằng Moscow và Bắc Kinh không còn lĩnh vực nào là chưa có quan hệ hợp tác từ “kinh tế, chính trị, địa chính trị, an ninh, nhân đạo, văn hóa và nhiều loại hình tương tác khác”.
Cũng theo ông Bochkov, thực tế, quan hệ Nga – Trung tồn tại một số điểm nhỏ bất đồng như hoạt động của Trung Quốc ở Trung Á thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, hay tham vọng của Bắc Kinh ở Bắc Cực.
“Trên hết, Nga – Trung đang đồng thời tăng cường các mối quan hệ giữa hai nước, nhưng thời gian có thể tạo ra sự đổi thay do Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách ở một số lĩnh vực mà Nga lâu nay chiếm ưu thế dẫn đầu”, ông Bochkov nói.
Còn ông Vladimir Portyakov, Phó Giám đốc tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Học viện Khoa học Nga, sức ép và sự đối đầu của Mỹ không phải là lý do chính khiến Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn.
“Mối quan hệ Nga – Trung tự thân có động cơ thúc đẩy mạnh mẽ và độc lập, chứ không phụ thuộc vào ảnh hưởng của nước thứ ba”, ông Portyakov cho hay.
Trung – Triều đẩy mạnh hợp tác, tăng khả năng đối phó với Mỹ
Trung Quốc và Triều Tiên có những động thái tăng cường mối quan hệ song phương trong bối cảnh cùng đối đầu với Mỹ.
Minh Thu (lược dịch)