Mỹ lo ngại về ‘quân bài mặc cả’ của Triều Tiên
Nhiều bằng chứng cho thấy, Triều Tiên vẫn đang phát triển chương trình hạt nhân và đây có thể là quân bài mặc cả buộc Mỹ xóa bỏ lệnh trừng phạt.
Thiếu tướng Michael Studeman, Giám đốc Cơ quan Tình báo của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ đã phát biểu trong một sự kiện về an ninh và công nghệ diễn ra trong tuần này rằng, Lầu Năm Góc đang xem xét các bản báo cáo nghi ngờ sự gia tăng hoạt động hạt nhân gần đây của Triều Tiên có thể là chiến thuật mặc cả để buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden xóa bỏ các lệnh trừng phạt.
“Chúng tôi đang xem xét vấn đề. Và thật đáng quan ngại về nơi mà Triều Tiên muốn hướng tới”, Reuters dẫn lời Tướng Studeman.
Triều Tiên bị nghi ngờ vẫn đang phát triển chương trình hạt nhân bất chấp lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. (Ảnh: AP) |
Cũng theo ông Studeman, chính quyền Mỹ đang tái xem xét chính sách Mỹ - Triều ở thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, hôm 1/3, ông Raphael Gossi, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho hay, Triều Tiên đã vi phạm các hiệp ước ký kết với Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (LHQ) khi tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân.
“Việc mở rộng chương trình hạt nhân của Triều Tiên là hành động vi phạm rõ ràng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo An LHQ và điều này là vô cùng đáng tiếc”, ông Grossi cho hay.
Khi được hỏi về nhận định mà Tổng Giám đốc IAEA đưa ra, Tướng Studeman nhấn mạnh, “các ủy viên trong IAEA đã thông báo rằng họ có bằng chứng về việc Triều Tiên tái sản xuất nhiên liệu hạt nhân”.
Ông Studeman đồng thời cho rằng, khả năng chương trình hạt nhân của Triều Tiên không chỉ nhằm tăng cường năng lực hạt nhân cho quốc gia này, mà còn muốn buộc ông Biden thay đổi những lệnh trừng phạt trước đây Mỹ thi hành với Triều Tiên.
“Nếu đây là sự thật, điều này có thể đẩy chúng ta vào mức độ căng thẳng khác với Triều Tiên. Điều này có thể là sự khởi đầu cho việc nhằm gây ảnh hưởng đối với chính quyền của Tổng thống Biden. Đây có thể là cách đầu tiên để gây sự chú ý với chính quyền mới của Mỹ, nơi có lẽ Triều Tiên sẽ sử dụng quá trình tái phát triển hạt nhân làm thứ để mặc cả nhằm đổi lại được xóa bỏ lệnh trừng phạt”, Tướng Studeman nói.
Hồi tháng 12/2020, cựu Phó Tổng Giám đốc IAEA Olli Heinonen nhận định hình ảnh vệ tinh về Kangson, cơ sở từng bị nghi ngờ là nhà máy làm giàu uranium tại Triều Tiên, dường như là “tài sản đáng giá hơn” so với những gì tưởng tượng trước đây.
“Có sẵn bằng chứng cho thấy, Kangson hiện không phải là nhà máy làm giàu uranium, mặc dù cơ sở này dường như vẫn có liên quan tới chương trình làm giàu uranium của Triều Tiên, nhưng ở vai trò khác. Những đặc điểm ở cơ sở này bao gồm nhà xưởng máy công cụ cỡ lớn phù hợp với quá trình sản xuất và thử nghiệm các thành phần của máy ly tâm”, ông Heinonen cho biết.
Bên cạnh đó, một bản báo cáo của LHQ được Reuters đưa tin hồi tháng Hai cũng đã nghi ngờ Triều Tiên vẫn phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên suốt năm 2020, thời điểm ông Donald Trump vẫn đang là Tổng thống Mỹ.
Vì sao Trung Quốc không muốn liên minh quân sự với Nga để thách thức Mỹ?
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc hiện không có kế hoạch thúc đẩy liên minh quân sự với Nga.
Minh Thu (lược dịch)