Mỹ điều thêm tàu chiến tới Biển Đông
Thêm hai tàu chiến Mỹ hoạt động gần tàu thăm dò West Capella (Malaysia) ở Biển Đông, giữa lúc hải quân và hải cảnh Trung Quốc không ngừng gây sức ép đối với tàu Malaysia.
Theo Business Insider, tàu chiến USS Montgomery và tàu tiếp vận USNS Cesar Chavez thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ đã hoạt động gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia.
Đây là hành động nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với tàu West Capella, trong bối cảnh tàu Malaysia bị các tàu hải quân, hải giám và tàu cá Trung Quốc đe dọa trong những tháng gần đây dù đang hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Tàu USS Montgomery (LCS 8) của hải quân Mỹ hoạt động gần tàu thăm dò West Capella của Malaysia trên Biển Đông. (Ảnh: US Navy) |
Trong tuyên bố hôm 7/5, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, “Mỹ cam kết duy trì trật tự dựa trên các quy định ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền tự do trên biển và quy định luật pháp”.
Cũng theo ông Aquilino, "Trung Quốc phải chấm dứt hành động bắt nạt các nước Đông Nam Á để độc chiếm dầu mỏ, khí đốt và đánh cá ở ngoài khơi. Hàng triệu người dân trong khu vực đang phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên này để sinh sống”.
Trước đó, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc cũng được phát hiện tiến hành khảo sát gần tàu khai thác West Capella của Tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia.
Viện Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho hay, các tàu Trung Quốc còn nhắm tới cả các tàu cung ứng hỗ trợ cho tàu West Capella khi đang hoạt động ở khu vực ngoài khơi Malaysia.
Trong khi Malaysia bày tỏ hy vọng căng thẳng có thể được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, thì Trung Quốc lại lên tiếng phủ nhận xảy ra tranh chấp với Malayisa ở Biển Đông.
Hồi tuần trước, Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng chỉ trích thái độ của Trung Quốc khi nhấn mạnh rằng Trung Quốc nên “dừng hành vi bắt nạt và tránh hành động khiêu khích và gây bất ổn”.
Còn trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết “Mỹ vẫn tiếp tục chứng kiến thái độ hung hăng của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông. Những hành động này của Trung Quốc bao gồm đe dọa tàu hải quân Philippines và đe dọa các quốc gia khác tiến hành hoạt động khai thác dầu mỏ ngoài khơi”.
Do đó, trong tháng Tư, nhiều lần tàu chiến của hải quân Mỹ đã được điều động tới Biển Đông để thực hiện sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải.
Gần đây nhất, RT đưa tin, theo thông báo từ Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, 4 oanh tạc cơ B-1B cùng binh sĩ Mỹ đã được điều động tới căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam vào ngày 1/5. Trong đó, 3 máy bay ném bom B-1B bay thẳng tới căn cứ Andersen, còn chiếc thứ tư bay tới vùng biển gần Nhật Bản để tham gia chương trình huấn luyện cùng lực lượng hải quân Mỹ trước khi tới đảo Guam.
“4 oanh tạc cơ cùng gần 200 binh sĩ đã được triển khai nhằm hỗ trợ những nỗ lực huấn luyện của lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương cùng với các quốc gia đồng minh, đối tác và lực lượng chung”, tuyên bố từ Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ cho hay.
Cũng trong tuyên bố, các máy bay ném bom của Mỹ sẽ còn tham gia vào “những sứ mệnh ngăn chặn chiến lược để củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Không quân Mỹ không nói cụ thể sứ mệnh của 4 oanh tạc cơ B-1B sẽ kéo dài bao lâu. Hoạt động triển khai 4 máy bay ném bom B-1B tới đảo Guam được thực hiện chỉ sau một ngày hai máy bay B-1 thực hiện chuyến bay qua Biển Đông. Chuyến bay này kéo dài 32 giờ đồng hồ từ căn cứ không quân Ellsworth ở Nam Dakota và là một phần trong hoạt động “phô trương sức mạnh” của quân đội Mỹ trong khu vực.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Minh Thu (lược dịch)
Mỹ điều 4 oanh tạc cơ B-1B ‘dằn mặt’ Trung Quốc sau loạt tàu chiến tới Biển Đông
Sau sự xuất hiện liên tiếp của các tàu chiến trên Biển Đông, Mỹ đã điều động 4 máy bay ném bom hạng nặng B-1B cùng hàng trăm binh sĩ tới đảo Guam để tiến hành “sứ mệnh ngăn chặn” trước Trung Quốc.