Mưa lũ cùng nguy cơ dịch Covid-19 có gây khó khăn cho Triều Tiên?
Mưa lớn gây lũ lụt cùng nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 sẽ làm khắc sâu thêm những khó khăn đối với nền kinh tế Triều Tiên.
Những cơn mưa lớn được dự báo tiếp tục trút xuống cùng mối lo bùng phát dịch Covid-19 đang đe dọa Triều Tiên, quốc gia vốn phải chật vật suốt nhiều năm qua do bị các lệnh trừng phạt kinh tế bủa vây.
Hôm 4/8, đài phát thanh trung ương Triều Tiên (KCBS) đưa tin những cơn mưa lớn sẽ tiếp tục xuất hiện ở hầu hết khu vực trên lãnh thổ nước này từ đêm ngày 3/8 đến sáng ngày 6/8. Thậm chí, cảnh báo đặc biệt đối phó với mưa lũ còn được ban bố ở các tỉnh Nam và Bắc Pyongan, Nam và Bắc Hwanghae, thành phố biên giới Kaesong, phía nam tỉnh Jagang cùng tỉnh Gangwon.
Học sinh Triều Tiên đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19. (Ảnh: KCNA) |
Cũng theo KCBS, mức cảnh báo thấp hơn đối phó thiên tai cũng được ban bố ở nhiều khu vực khác tại Triều Tiên.
“Các biện pháp cần thiết cần được triển khai nhằm ngăn chặn thảm họa như ngập lụt, tràn hồ chứa nước và sạt lở đất do mưa lớn và gió giật mạnh”, KCBS cho hay.
Ngoài ra, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động triều Tiên, cũng kêu gọi thi hành công tác chuẩn bị để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lớn diện rộng trên cả nước.
Thậm chí, Rodong Sinmun đã dành 4 trang báo xuất bản vào ngày 4/8 để nói về những nỗ lực ngăn chặn nước dâng cao tràn qua các con sông, cải tạo hệ thống thoát nước, gia cố đê điều, cải thiện hệ thống dẫn nước vào nông trại cũng như đảm bảo cung cấp điện đầy đủ cho các trạm bơm.
Ngoài ra, người dân cần đảm bảo nguồn nước thải từ các mỏ khai thác khoáng sản và than đá không đổ vào dòng sông, cũng như sửa chữa các đường ống dẫn nước sinh hoạt và nước thải để ngăn tình trạng nước tràn vào đường giao thông và khu vực dân sinh.
Những trận mưa lớn lâu nay thường gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp Triều Tiên mà điển hình là đợt thiếu lương thực do siêu bão Lingling xảy ra vào đầu tháng 9/2019.
Đáng nói, tờ Rodong Sinmun cũng kêu gọi người dân cần thực hiện theo phương án khẩn cấp đối phó dịch Covid-19.
“Chúng tôi đề nghị người dân nhận thức ở mức cao nhất và tuân thủ những quy định hướng dẫn phòng bệnh mà chính phủ đã ban hành bởi công việc ngăn chặn virus trực tiếp liên quan tới an ninh quốc gia và cuộc sống của người dân”, Rodong Sinmun viết.
Vào cuối tháng Bảy, Triều Tiên tuyên bố nước này nghi ngờ có ca đầu tiên mắc Covid-19 là một công dân đào tẩu mới từ Hàn Quốc trở về nước và xuất hiện ở thành phố biên giới Kaesong.
Ngay sau đó, theo thông báo từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), vào ngày 25/7, Chủ tịch Kim Jong-un đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính trị đồng thời cho triển khai các biện pháp tối đa chống dịch Covid-19. Trong đó, ông Kim đã hạ lệnh phong tỏa toàn thành phố Kaesong để ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch bệnh.
Công dân Triều Tiên đào tẩu 24 tuổi mới trở về nước đã được đưa vào diện cách ly chặt chẽ, sau khi các kết quả kiểm tra y tế hệ hô hấp trên và máu cho “kết quả bất ổn” và được xem là ca nghi mắc Covid-19.
Dù chưa xác nhận có ca mắc Covid-19 đầu tiên, nhưng Triều Tiên đã liên tục tăng cường nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh như đóng cửa các đường biên giới với Trung Quốc từ cuối tháng Một. Bình Nhưỡng còn gọi cuộc chiến chống dịch Covid-19 là “vấn đề chính trị” sẽ quyết định vận mệnh của đất nước.
Một số nhà quan sát vẫn tỏ ra nghi ngờ tuyên bố của Triều Tiên về việc không có ca mắc Covid-19 do quốc gia này có đường biên giới dài với Trung Quốc. Trong khi đó, hệ thống y tế của Triều Tiên được cho không đủ trang thiết bị và đội ngũ nhân viên không đủ chuyên môn để đối phó với những dịch bệnh dễ lây lan như Covid-19.
Theo Korea Herald, tổng giá trị thương mại giữa Trung – Triều trong tháng Bảy là 96,8 triệu USD, giảm 57% so với cùng kỳ hồi năm ngoái.
Đáng nói, vào ngày 18/7, trang web của Ủy ban Khoa học và Công nghệ quốc gia Triều Tiên cho đăng tải thông tin nước này đang phát triển vắc-xin phòng Covid-19.
Một số nhà phân tích Hàn Quốc nhận định, thông báo trên dường như chỉ nhằm trấn an người dân Triều Tiên. Trên thực tế, những thông tin liên quan tới năng lực chăm sóc y tế của Triều Tiên là vô cùng ít ỏi.
Cho tới nay, KCNA vẫn chưa đăng tải bất kỳ báo cáo chính thức nào liên quan nỗ lực phát triển vắc-xin của Triều Tiên.
Người quyền lực thứ ba Triều Tiên đi thị sát phòng dịch
Cũng trong ngày 4/8, KCNA cho hay, ông Pak Pong-ju, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động và được xem là người quyền lực thứ ba tại Triều Tiên, đã tới thăm thành phố cảng Nampho để thị sát công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong chuyến thăm, ông Pak đã yêu cầu các quan chức địa phương tuân thủ chặt chẽ quy định trong hệ thống khẩn cấp tối đa đối phó dịch Covid-19 và kiểm tra sự thâm nhập của dịch bệnh.
Vào tuần trước, đích thân ông Choe Ryong-hae, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao và là người nắm quyền lực thứ hai tại Triều Tiên, đã thực hiện chuyến thăm tới thành phố biên giới bị phong tỏa Kaesong và kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 khẩn cấp đang được thi hành tại đây.
Theo KCNA, tính tới ngày 30/7, Triều Tiên chưa có ca mắc Covid-19. Đây là tuyên bố đầu tiên của truyền thông Triều Tiên về việc nước này không có ca mắc Covid-19 kể từ khi Bình Nhưỡng cho phong tỏa thành phố Kaesong.
Sống ở Hàn Quốc không lâu, công dân Triều Tiên đào tẩu lại về nước
Một nghị sĩ Hàn Quốc cho hay, cứ 5 công dân Triều Tiên đào tẩu trở về nước thì có 2 người sống ở Hàn Quốc chưa tới 3 năm.
Minh Thu (lược dịch)